Những năm gần đây, rất nhiều trường đại học, cao đẳng ở nước ta đã tiến hành đổi mới phương pháp đào tạo theo định hướng thực hành, đẩy mạnh liên kết và hợp tác quốc tế. Một số trường được thành lập, hoạt động theo mô hình “nhượng quyền thương hiệu” từ một số trường đại học được cho là “danh giá” trên thế giới. Đây là những cách tiếp cận hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thật khó kiểm soát được chất lượng của hình thức đào tạo này. Thực tế đã có rất nhiều chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với các trường đại học kém chất lượng ở nước ngoài đã cấp bằng cho khá nhiều người có nhu cầu bằng cấp nhưng không có nhu cầu nâng cao trình độ.
Một cách tiếp cận khác để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế là các trường đại học áp dụng các quy chuẩn đào tạo quốc tế. Chẳng hạn như trong khu vực các trường đại học Đông Nam Á có tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (AUN-QA); tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES)... Một vài trường đại học ở Việt Nam đã chủ động mời các tổ chức kiểm định đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA, HCERES. Tuy nhiên, số lượng trường đại học đạt chuẩn kiểm định hiện còn rất khiêm tốn. Hiện nay, việc kiểm định chất lượng được thực hiện theo Thông tư số 12/2017/TT-BGĐT ngày 19-5-2017, nhìn chung các tiêu chuẩn này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nếu các đơn vị đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định thực chất, không hình thức.
Để đào tạo nhân lực đạt được trình độ quốc tế, trước hết các đơn vị đào tạo cần xác định triết lý giáo dục rõ ràng, làm cơ sở định hướng các hoạt động đầu tư, tổ chức dạy và học. Việc học không nên dừng lại giảng bài “đọc - chép”, đào tạo “phi bối cảnh”, mà cần tạo môi trường giúp sinh viên trải nghiệm thực tiễn, đặt mình trong các tình huống của thực tiễn. Với cách học tập trải nghiệm, người học là trung tâm tương tác với các đối tượng trong thực tiễn; giảng viên là người kiến tạo tình huống, cung cấp nguồn tài liệu và tiếp sức cho sinh viên tư duy, hoàn thiện kiến thức. Do vậy, đòi hỏi trình độ lý thuyết, thực tiễn và tư duy của giảng viên phải rất cao. Khi học tập trải nghiệm, giảng viên và sinh viên không ngừng vận động, trải nghiệm và tư duy theo hơi thở của thực tiễn. Cách dạy và học này sẽ giúp phát triển năng lực đồng thời của thầy lẫn trò. Chính triết lý giảng dạy định hướng ứng dụng và đào tạo “có bối cảnh” thực tiễn như thế, thì sản phẩm của đào tạo - nguồn nhân lực - mới phát triển được năng lực vận dụng linh hoạt kiến thức vào giải quyết các thách thức, các đòi hỏi của thực tiễn, của doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết giữa nhiều quốc gia, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đã thúc đẩy quá trình kết nối và nguồn lực di chuyển tự do trên phạm vi toàn cầu. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực phải làm chủ công nghệ mới và năng lực tương tác với đối tác quốc tế; các kỹ năng, thái độ, hành vi của người lao động cũng thay đổi cho phù hợp yêu cầu hội nhập. Doanh nghiệp cần lao động với những kỹ năng cơ bản gồm: 1- Ứng dụng được công nghệ cho công tác chuyên môn; 2- Am hiểu về toán thống kê để phân tích dữ liệu; 3- Có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc được với đối tác quốc tế; 4- Có kỹ năng quan hệ con người, làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm; 5- Có khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh.
Yêu cầu của những kỹ năng lao động thay đổi khá nhanh đòi hỏi cơ sở đào tạo phải liên tục cập nhật để kịp thời thích ứng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi người học không chỉ nắm bắt được kiến thức chuyên môn mà còn phải biết ứng dụng công nghệ trong thực hiện các công tác chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, trọng trách và tầm vóc của người thầy càng trở nên nặng nề hơn, người dạy chẳng những liên tục cập nhật kiến thức mới bởi sự thay đổi công nghệ trong hầu hết các ngành, mà cần phải biết cách vận dụng công nghệ để phục vụ cho công tác giảng dạy và tương tác hiệu quả với sinh viên, từ đó mới có thể đào tạo được nguồn lao động đúng “tầm” quốc tế.