Đào tạo kỹ năng thực cho sinh viên

Nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp (DN) đã cùng tranh luận sôi nổi và tìm giải pháp bổ sung cho nhau để cả 3 bên tìm được tiếng nói chung trong quá trình đào tạo, sử dụng lao động. 

Đây cũng chính mà mục tiêu của hội thảo “Nâng cao năng lực cho sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội - DN” do Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 31-5.

Doanh nghiệp cần gì?

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện Quản trị tri thức KMi, với hơn 20 năm kinh nghiệm tham gia đào tạo, tuyển dụng nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia, đã khái quát về yêu cầu “5C” của các nhà tuyển dụng đối với sinh viên khi tham gia thị trường lao động hiện nay.

Cụ thể đó là: Kỹ năng hợp tác (Collaboration), tư duy phản biện (Critical thinking), kỹ năng sáng tạo (Creativity), kỹ năng giao tiếp (Communication) và tinh thần học tập suốt đời (Continuous learning). Theo ông, trong quá trình đào tạo sinh viên, các trường ĐH cần dạy nhiều thực tế, bớt lý thuyết suông.

Đào tạo kỹ năng thực cho sinh viên ảnh 1 TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện Quản trị tri thức Kmi, cho rằng hãy dạy nhiều thực tế, bớt lý thuyết suông cho sinh viên
TS Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Becamex (Bình Dương), nói: “Tôi cũng từng đi học, giảng dạy tại nước ngoài, trong nước và tôi thấy kỹ năng thời nào cũng cần, không phải đến thời gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 mới thật sự cần. Từ thực tế đi học, đi làm, tuyển dụng, tôi thấy nước ngoài đánh giá sinh viên mình (cả những sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài) yếu về tính chủ động, hăng hái trong công việc. Có nghĩa là giao việc nào làm việc đó, không giao thì không làm, ngồi chơi. Và sau đó là tính chỉn chu, cố gắng nỗ lực trong công việc. Do đó, các trường phải đặc biệt quan tâm đến những yêu cầu này”.

Ông Nguyễn Triệu Thông, Trưởng phòng Nhân sự Saigon Co.op, băn khoăn cho rằng sinh viên hiện nay có sự lệch lạc trong việc chọn ngành và thiếu nghiêm túc đầu tư cho nghề nghiệp.

“Đơn cử như chúng tôi là đơn vị bán lẻ, tuyển dụng rất nhiều vị trí bán hàng và quản lý cửa hàng lương 8 - 10 triệu đồng/tháng, nhưng sinh viên các trường tốp trên không quan tâm, họ thích làm văn phòng, ngồi một chỗ, dù lương chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Trường công lập, trường tốp trên thì sinh viên không chịu làm, chúng tôi phải chuyển hướng sang các trường tư thục để tuyển người. Trong khi đó, thực tế thống kê số lượng sinh viên thất nghiệp lại rất cao”, ông Thông nhận định.

Nhấn mạnh vai trò của các trường

Th.S Mai Phương Thảo, Giám đốc kinh doanh Công ty Verztec, cho biết: “Chúng ta bàn nhiều về vấn đề học thuật, trong khi cái cần là phải làm thực tế, dạy như thế nào để bớt lý thuyết, bớt hô hào. Bản thân tôi trước đây học ngành kinh doanh quốc tế, ra trường thường làm trong các công ty logistics, nhưng suốt 10 năm tôi phải trầy trật đi xin việc. Chương trình học chỉ toàn là lý thuyết nên chúng tôi gần như không có kinh nghiệm thực tập đúng ngành nghề. Vì vậy, tôi mong muốn các trường phải làm thật, đừng dạy quá nhiều về hàn lâm và lý thuyết”.

Chia sẻ với ý kiến của TS Nguyễn Thanh Tùng, đại diện các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết đúng là cách đây 10 năm, chương trình đào tạo không có thực tế. Nhưng hiện nay đã khác, khi xây dựng chương trình, các trường đã tham khảo ý kiến của DN, sau đó còn lấy phản hồi khi DN sử dụng “sản phẩm” của mình.

Ông Lê Trương Vĩnh Phú, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), dẫn chứng thực tế: “Tôi học tại Việt Nam và sau đó sang Singapore học tiếp. Sự khác biệt là ở nước bạn người ta dạy thực tế, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta hô hào quá nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng chưa nhìn đằng sau nó là cái gì? 10 năm, rồi 20 năm nữa, thực tại nhân lực và nhu cầu sẽ cần cái gì? Ví dụ đơn giản như ngành ngân hàng, ngay cả thế giới có những công việc họ vẫn làm thủ công. Do đó, phải đào tạo sinh viên những kỹ năng, kiến thức thực tế và gắn chặt với DN trong suốt quá trình đào tạo, sau đào tạo”.

Lắng nghe đóng góp từ phía DN và các chuyên gia, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận: “Việc tăng tỷ lệ DN tham gia giảng dạy là rất khó vì còn nhiều bất cập và ràng buộc, cụ thể là những quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để chúng tôi và các trường ĐH ngồi đây cùng nhìn nhận, cần và phải trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức gì cho sinh viên. Đây cũng là những ý kiến bổ ích để chúng tôi hoàn thiện đề án xây dựng khung năng lực cho sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong thời gian tới”.

Cũng theo PGS-TS Vũ Hải Quân, 4 điểm cốt lõi hiện nay trong đào tạo là kiến thức - kỹ năng - thái độ - thực tiễn. “DN và sinh viên chính là khách hàng của các trường nên chúng ta phải lắng nghe nhằm có chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo sát thực tế. Đây là trách nhiệm của các trường và nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận để cùng thay đổi thì không thể nào tiến được. So với nhiều nước trong khu vực thì chúng ta đã tụt lại rồi, nếu không bước nhanh, tiến nhanh thì chúng ta sẽ tụt xa hơn nữa”, ông Quân khẳng định.

Tin cùng chuyên mục