
Vì sao trong phần chức năng, nhiệm vụ, ngành học nào cũng đưa phóng viên, biên tập viên báo chí vào phần giới thiệu cơ hội việc làm sau tốt nghiệp? Cử nhân tốt nghiệp các ngành văn hóa, xã hội (không phải báo chí) đều có đủ kiến thức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông? Đó là hai trong số những câu hỏi “bắt giò” khiến bộ phận tư vấn tuyển sinh của các trường đào tạo chuyên về khối ngành khoa học xã hội (KHXH) ở TPHCM lúng túng trả lời.
Mọi ngành học đều quy về... làm báo?
Còn nhớ cách đây chưa lâu, trong một buổi tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Marie Curie (quận 3), nhiều học sinh lớp 12 đã bày tỏ lo lắng: “Em dự định thi vào Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH-NV TPHCM. Song, ai cũng biết đây là ngành học có điểm chuẩn cao vào loại nhất, nhì toàn trường. Liệu có thể chọn học những ngành KHXH khác rồi rẽ hướng sang làm báo được không?”. Câu trả lời phụ thuộc vào bộ phận tư vấn tuyển sinh của từng trường. Song, qua đó có thể thấy tư tưởng “học một đằng, dự định làm một nẻo” chỉ vì những hệ số chọi, điểm chuẩn, chỉ tiêu đã manh nha trong đầu các bạn trẻ. Bỏ qua sự lãng phí về mặt thời gian, kiến thức đào tạo suốt 4 năm, nhiều bạn đã bắt đầu có tư tưởng đi “đường vòng” nhằm nuôi dưỡng giấc mơ làm báo.

Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân tại buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa lỗi hoàn toàn ở thí sinh. Dạo một vòng website các trường ĐH đào tạo chuyên về khối ngành KHXH, từ những “ông lớn” như ĐH KHXH-NV TPHCM, ĐH Văn hóa đến những đơn vị đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực như ĐH Văn Hiến, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở TPHCM, ĐH quốc tế Hồng Bàng… mới thấy lựa chọn trên có phần tiếp tay từ chính cách tiếp thị hình ảnh của các trường.
Đơn cử như tại website của Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, ĐH Văn hóa TPHCM, ngoài phần giới thiệu danh sách các cơ quan làm việc phù hợp chuyên ngành đào tạo như viện, trung tâm nghiên cứu, khoa này còn bổ sung thêm đài truyền hình, cơ quan báo chí và truyền thông nhằm quảng bá tối đa “độ an toàn” cho sinh viên (SV) sau tốt nghiệp. Thậm chí có đơn vị còn hướng dẫn tận tình cách tìm việc làm cho các tân cử nhân như Khoa Xã hội học, ĐH Văn Hiến: “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xã hội, học thêm nghiệp vụ báo chí để trở thành phóng viên, biên tập viên truyền hình, hoặc làm ở các công ty tổ chức sự kiện (PR)”.
Hoành tráng hơn, Khoa Nhân học, ĐH KHXH-NV TPHCM còn giới thiệu thêm tiểu sử tên, tuổi, việc làm cụ thể của 17 SV từng tốt nghiệp khoa Nhân học khóa 2007 - 2011 trở về trước. Nhiều người trong số đó hiện đang công tác trong những lĩnh vực không liên quan gì chuyên ngành được đào tạo như marketing, chế tác kịch bản, điều hành tour du lịch, thư ký văn phòng…
Qua đó, có thể thấy SV tốt nghiệp các ngành KHXH như Văn hóa học, Xã hội học, Văn học, Ngôn ngữ, thậm chí một số ngành mang tính đào tạo đặc thù như Hán Nôm, Việt Nam học hiện nay đều được đơn vị đào tạo giới thiệu đi làm báo. Phải chăng các ngành khoa học này đã hết thời và báo chí, truyền thông là lựa chọn duy nhất còn sót lại cho các tân cử nhân tốt nghiệp các ngành KHXH?
Gắn chỉ tiêu với nhu cầu thực tế
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2012, có khoảng 80% SV sau tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong số đó, chỉ có 50% SV có việc làm phù hợp chuyên ngành đào tạo, 50% phải chọn những việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm không ổn định và có nhiều nguy cơ chuyển đổi công việc khác.
Qua đó cho thấy, mặc dù công tác tư vấn tuyển sinh năm nào cũng được tổ chức hết sức rầm rộ ở các trường THPT trên địa bàn TP, song hiệu quả thật sự mà nó mang lại chưa có tính chất lâu dài, ổn định. Nhiều học sinh cho biết các em bị rối trước cả rừng thông tin về chỉ tiêu đào tạo, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp… Trong đó, nhiều ngành học được dự báo bão hòa trên thị trường lao động như ngân hàng, tài chính, kế toán nhưng chỉ tiêu đầu vào luôn ở mức cao. Ngược lại, một số ngành hiện đang được các trường “trải thảm” một cách tối đa do thiếu hụt trầm trọng như kỹ thuật, cơ khí, khoa học xã hội, thí sinh vẫn ngại vào do ảnh hưởng tâm lý số đông. Từ đó dẫn đến tình trạng cung, cầu chệch hướng, ngành thiếu hụt lao động càng có nguy cơ diệt vong.
Phó hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường ĐH lớn trên địa bàn TP bày tỏ: “Năm nào tuyển sinh các ngành xã hội cũng lâm vào cảnh xấc bấc xang bang, ngành nào lo ngành nấy thì tuyển sinh rất chấp vá nên nhiều lúc buộc phải choàng gánh, lấy cái hay của ngành KHXH này quảng bá chung cho cả những ngành khác nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của người học vào các ngành xã hội”. Nhưng ngoài nỗ lực tự cứu của các trường, thiết nghĩ đã đến lúc các cấp lãnh đạo cao hơn của TP, bộ, ngành địa phương ngồi lại mổ xẻ vấn đề thừa, thiếu và phân bổ nguồn nhân lực, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng thực tế nhằm tránh tình trạng lãng phí chất xám và ngân sách đầu tư.
| |
THU TÂM