Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2009, từ nay đến năm 2020 nhà nước sẽ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn...
Theo đề án, năm 2010 sẽ dạy nghề cho 430.000 lao động nông thôn. Trong đó, thí điểm các mô hình dạy nghề (thông qua hệ thống trung tâm dạy nghề đã được đầu tư xây dựng bằng ngân sách) cho khoảng 18.000 người và đặt hàng các cơ sở, trung tâm dạy nghề khoảng 12.000 người.
Đối tượng được xác định là nông dân thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, nông dân bị thu hồi ruộng, nhằm chuẩn bị các điều kiện để triển khai đề án trong giai đoạn 2011-2015 và cả những năm tiếp theo. Đây quả là tín hiệu vui cho nông dân.
Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), hoạt động dạy nghề nói chung và dạy nghề cho nông dân không phải là việc làm mới. Tuy nhiên lần này chúng ta triển khai với quy mô lớn, tập trung để tạo ra bước đột phá nghề cho người nông dân, phát triển kinh tế nông thôn.
Do đó, các cơ quan có liên quan và các địa phương phải làm quyết liệt. Điều quan trọng của đề án là làm sao sau khi học xong nông dân có thể sử dụng được những kỹ năng đã học cho việc mưu sinh. Do đó, các địa phương phải tổ chức khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu loại nghề mà nông dân cần học.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, nông dân cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng chịu nhiều thách thức. Đại bộ phận nông dân còn nghèo, sản xuất nhỏ lẻ do thiếu vốn, sự hiểu biết, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Thực trạng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL hiện nay là hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm, giá thành cao, không ổn định, khó cạnh tranh với những nước trong khu vực.
Bài học từ các năm trước cho thấy, nếu nông dân được đào tạo, dạy nghề bài bản họ sẽ không “xé rào” xuống giống lúa xuân-hè vì đây là “môi trường béo bở” để rầy nâu và sâu bệnh tiếp tục hoành hành. Được học nghề, nông dân biết trồng mía, nuôi tôm sú rải vụ, không dẫn đến cảnh khủng hoảng thừa cục bộ. Họ cũng sẽ ý thức được mối liên kết sản xuất, hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp… Nhờ vậy, kinh tế sẽ phát triển, bộ mặt nông thôn ngày sẽ đổi mới.
HÀM LUÔNG