“Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “TS hóa” đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.
Loạt bài này, từ một vụ việc cụ thể, Báo SGGP muốn đặt ra vấn đề về chất lượng TS và đào tạo TS hiện nay.
Ngày 4-12-2009, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), hơn 10 vị giáo sư và TS bước ra khỏi phòng họp với vẻ mặt tức giận. Họ, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, gần như không kềm nổi bức xúc trước câu chuyện vừa xảy ra trong cuộc họp… bàn về luận án TS.
Còn hơn cả tức giận, nghiên cứu sinh (NCS) T.T.S., người suýt bước lên hàng danh giá của bậc học cao nhất, cho biết sẽ kiện trường và Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước vì có chuyện... mờ ám. Chuyện gì đã xảy ra tại một trường đại học có tiếng chỉn chu và khắt khe trong việc đào tạo TS?
“Lật tẩy” luận án
Sự việc nói trên tiếp nối câu chuyện diễn ra từ 4 tháng trước. Đó là buổi trưa 10-8-2009, Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức bảo vệ luận án TS của NCS T.T.S. với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.
14 giờ 30 phút, lễ bảo vệ được bắt đầu. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Khoa học tiến hành những thủ tục cần thiết, NCS T.T.S. được mời lên tóm tắt nội dung luận án. Ngay lúc bắt đầu, NCS này đã lộ vẻ lúng túng, trình bày không mạch lạc, không nêu được vấn đề trọng tâm của đề tài cũng như cái mới trong luận án của mình. Căng thẳng thật sự bắt đầu khi NCS này đối diện với hơn 10 câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng Khoa học. Một vị trong 7 vị của hội đồng yêu cầu: “Đề nghị NCS phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”. Một vị khác hỏi: “NCS giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”. Hai câu hỏi khá khái quát và liên quan vấn đề chuyên môn nhưng NCS này lại… “bỏ qua” bằng cách gãi đầu, khiến Hội đồng Khoa học cũng… ngẩn ngơ. Hơn 10 câu hỏi phản biện, gần như NCS không trả lời nổi câu hỏi nào. Và điều gây chấn động tại buổi bảo vệ là khi kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Khoa học công bố, lại có tới 5/7 thành viên (trong đó có cả phiếu của chủ tịch hội đồng) cho điểm luận án này… đạt chất lượng. Cả hội trường nhốn nháo…
Tham dự buổi bảo vệ, thạc sĩ N.L.Q., người tham gia nhóm nghiên cứu đề tài này năm 2004 rất bức xúc, nhiều lần xin phép được phát biểu ý kiến nhưng vẫn không được chủ tịch hội đồng chấp thuận. Chính vì vậy, kịch tính xảy ra khi trong lúc chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì thạc sĩ N.L.Q. bật dậy tuyên bố: “Tôi khẳng định những cam kết của NCS là không trung thực bởi đề tài bảo vệ luận án TS cấp nhà nước của NCS T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) chúng tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế…”.
Sai sót vẫn cứ bảo vệ
Nhiều thông tin cho thấy luận án TS do NCS T.T.S. thực hiện còn nhiều “sơ sót” cả về nội dung, chất lượng, thậm chí còn vi phạm quy chế như không đủ 2 giáo viên hướng dẫn và không có nhận xét của người hướng dẫn trước khi đưa luận án ra bảo vệ, thậm chí bị tố cáo là trùng với một đề tài đã nghiên cứu trước đó…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề tài chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế đã được nghiên cứu từ năm 2002 và báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trường vào năm 2004 do nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Năm 2005, một giảng viên trong nhóm nghiên cứu ở trường là PGS-TS T.D.S. (giảng viên hướng dẫn NCS T.T.S.) cải tiến từ thiết bị chế tạo của khoa thành thiết bị mới tốt hơn nên khi đưa đi tham dự hội chợ triển lãm công nghiệp năm 2005 đã được giải thưởng và được cấp chứng nhận bằng sáng chế công nghiệp.
“Với nhiều lỗi sơ đẳng như vậy, lẽ ra luận án TS của NCS T.T.S. phải bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chứ không thể vào vòng “chung kết” cấp Nhà nước được” - một nhà khoa học nhận xét. Theo ông, tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, nhưng nội dung bên trong lại là chế tạo ra thiết bị làm bánh tráng rế công nghiệp! Mà chế tạo thiết bị làm bánh tráng rế thì chẳng cần phải nghiên cứu vì… đã có nhiều rồi. Ông lắc đầu, nói: “Một luận án TS mà sai cơ bản ngay từ đầu như thế là không thể chấp nhận”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận những “sai sót chết người” có nguồn gốc từ những kẽ hở trong quy trình xét duyệt ở cấp cơ sở. TS Lê Trung Chơn, quyền Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, khẳng định: “Đây là bài học “xương máu” của trường”.
Hội đồng khoa học... không nắm quy chế?
Điều khó hiểu và không thể chấp nhận được, đó là trách nhiệm của hội đồng khoa học. Trong 7 vị hội đồng, có 2 vị bỏ phiếu không chấp thuận, nhưng hội đồng vẫn kết luận thông qua luận án. Theo quy chế đào tạo sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM và của Bộ GD-ĐT: “Luận án đạt yêu cầu nếu được ít nhất 3/4 số thành viên hiện diện trong hội đồng bỏ phiếu tán thành”. Việc hội đồng thông qua luận án khi chỉ có 5/7 phiếu tán thành luận án là sai với quy chế. Lẽ nào, cả một hội đồng với nhiều tên tuổi như trong buổi bảo vệ ngày 10-8-2009 lại không nắm được quy chế?
Về những thiếu sót trong khâu thẩm định, quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án, TS Lê Trung Chơn cũng thừa nhận phía trường có một số thiếu sót. Tuy nhiên, sai sót cũng ở chủ tịch hội đồng khoa học vì khi phát hiện ra vấn đề này, trường đã báo lại nhưng chủ tịch hội đồng vẫn cho bảo vệ chứ không ra quyết định tạm ngưng để xác minh làm rõ những vấn đề tranh cãi.
Đặt vấn đề này với GS-TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, ông cho rằng có nghe trường báo cáo lại nhưng do hội đồng khoa học chỉ là tham vấn, còn việc hoãn hay không là do Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định. Ngoài ra, phía nhà trường cũng không cung cấp đầy đủ danh mục để hội đồng kiểm tra…
Để làm rõ giải thích này, chúng tôi đã tìm hiểu và xác định, trong luận án của NCS có kèm theo bằng sáng chế và bằng khen của Bộ KH-CN cho Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cho PGS-TS T.D.S. Như vậy, không thể nói là hội đồng khoa học không được cung cấp danh mục cụ thể để kiểm tra.
Hủy kết quả bảo vệ luận án Ngày 25-9-2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến ĐH Quốc gia TPHCM về kết quả buổi bảo vệ luận án trên. Ngày 15-10-2009, ĐH Quốc gia TPHCM có công văn trả lời và đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2009, Trường ĐH Bách khoa có công văn kết luận: “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. Có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học? Không chỉ “ầm ĩ trong phòng bảo vệ luận án” mà những thông tin “ngoài lề” cũng khiến dư luận quan tâm và bức xúc. Từ chuyện thầy hiệu trưởng và một người thầy chuyên môn về cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM bị gọi điện, nhắn tin dọa tạt axít, phóng hỏa đốt nhà… đến việc GS-TS Phạm Ngọc Lãng ngay sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà (cùng đi với NCS T.T.S. lúc 21 giờ ngày 10-8), khi đi ngang qua phường 14, quận 10 đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo. Xâu chuỗi những sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học? |
Linh An - Tiến Đạt