Chuyến tàu khách mang tên Quê Hương 2 rời cảng Phan Thiết vào một buổi sáng trời trong, sóng lặng. Hải trình hơn 6 giờ đến huyện đảo Phú Quý thật bình yên và thoải mái, khiến tôi quên luôn lo lắng say sóng của người lần đầu tiên đi biển.
Cù lao Thu
Đồn rằng, xưa vùng biển quanh đảo có rất nhiều cá thu nên đảo có tên Cù lao Thu. Và cũng có người nói có lẽ do hình dáng của đảo tựa một con cá thu khổng lồ đang bơi trên biển mà Phú Quý còn có tên như thế.
Nằm cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120km), đảo có diện tích hơn 16km2 (nơi dài nhất 6,5km và rộng nhất 3km) với số dân gần 28.000 người. Xung quanh đảo chính còn có hơn 10 đảo nhỏ (đều không có người ở) như hòn Tranh, hòn Trứng, hòn Đen, hòn Đỏ, hòn Bố, hòn Khám, hòn Vung, hòn Rắn, hòn Giữa, hòn Chiên. Huyện có 3 xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với 10 thôn.
Dọc con đường tráng nhựa phẳng lì mang tên 27-4 dẫn về nhà khách UBND huyện, màu xanh mát mắt của cây trái như làm dịu bớt cái nắng nóng đặc trưng của đảo. Như cảm nhận sự ngạc nhiên của tôi trước hình ảnh dãy phố khang trang, vỉa hè cây xanh thẳng tắp, anh Nguyễn Văn Cường, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện ngồi bên cạnh, giới thiệu thêm: “Không những đời sống người dân và hạ tầng ngày một phát triển, Phú Quý còn có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa độc đáo”.
Bên cạnh những ngôi chùa với kiến trúc đẹp như Linh Quang, Linh Sơn, Linh Bửu, tôi còn gặp nhà thờ Tin Lành, Vạn An Thạnh, Vạn Mỹ Khê, khu mộ Thầy Nài, Công chúa Bàn Tranh, mỗi nơi mỗi vẻ kiến trúc. Toàn huyện có 35 di tích tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là Chùa Linh Quang và Vạn An Thạnh. Thú thật, vỏn vẹn 3 ngày trên đảo, dù cố gắng, tôi cũng không thể tham quan hết 35 di tích với nhiều nét kiến trúc độc đáo và những truyền thuyết mang đậm dấu ấn văn hóa miền biển.
Mảnh đất giàu sang
Anh Phạm Quang Phong (ngụ xã Tam Thanh), người có hơn 10 năm làm nghề nuôi hải sản bè, cho biết: Hải sản ở Việt Nam đâu cũng có, nhưng với riêng Phú Quý các loại cua huỳnh đế, tôm hùm, ghẹ mặt trăng, cá bóp, cá mú có hương vị đậm đà không lẫn với bất cứ đâu. Để chứng minh, anh dẫn tôi đi xem các bè nuôi hải sản. Cũng theo anh Phong, bên cạnh các làng bè, một số nhà hàng trên đảo cũng đầu tư xây dựng hệ thống nuôi cua huỳnh đế, tôm hùm, ghẹ mặt trăng, cá mú, cá bóp để phục vụ khách. Tôi có hỏi anh Phong về thu nhập của anh và bà con nuôi bè, anh không giấu giếm: “Mấy năm gần đây thu nhập có giảm, nhưng mỗi năm tôi cũng kiếm được khoảng 180 triệu đồng. Nói chung tạm đủ, nhưng chúng tôi rất vui khi làm giàu và chia sẻ với bà con ngay trên đảo quê hương”. Tôi đã cảm nhận trọn vẹn sự vui mừng và tự hào trong mắt anh khi bắt tay tạm biệt.
Hiện nay, ngoài các ngành nghề liên quan đến biển và sản xuất nông nghiệp, một số người dân Phú Quý đã biết đầu tư và kinh doanh nhiều ngành nghề liên quan đến dịch vụ du lịch. Từ nuôi các loại hải đặc sản cho đến xây khách sạn, nhà hàng, cà phê sân vườn. Như anh Võ Đông, dù còn khá trẻ nhưng đã dám bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để xây cà phê sân vườn trên mảnh đất rộng 1.400m2 của gia đình. Anh cho biết: “Cái tên Mộc Nguyên và phong cách kiến trúc của quán anh chắt lọc từ phong cách nhiều quán cà phê sân vườn khác nhau ở Phan Thiết và TPHCM”. Ngoài ý tưởng, dù anh không nói ra, nhưng tôi chắc chắn rằng anh quyết định mở quán cà phê còn do nhìn thấy được tiềm năng của điểm tham quan Núi Cao Cát, cùng chùa Linh Sơn với quán cà phê “Mộc Nguyên” thơ mộng nằm ngay chân núi.
Đảo xanh vẫy gọi
Trong chuyến công tác mới đây tại huyện đảo Phú Quý, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Chính phát biểu: “Đã đến lúc đánh thức ngành du lịch của huyện đảo với nhiều tiềm năng về thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hóa”.
Theo báo cáo của huyện Phú Quý, trong 6 tháng đầu năm 2013, đảo đã đón hơn 1.200 lượt khách đến tham quan và khám phá, riêng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Phú Quý đã quá tải với trên 500 khách, trong khi toàn huyện đảo chỉ có 10 nhà nghỉ với khoảng 160 giường. Du khách đến với Phú Quý không chỉ thỏa thích với những bãi tắm hoang sơ, khám phá bản sắc văn hóa miền biển phong phú, mà còn thưởng thức những thực đơn hải đặc sản phong phú. Ông Mạc Đăng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết thêm: “Bên cạnh nhiều thắng cảnh đẹp, trên 30 di tích văn hóa độc đáo, môi trường an toàn, ẩm thực đậm đà hương vị miền biển, con người Phú Quý rất thân thiện, mến khách, nếu được quan tâm đầu tư, chắc chắn du lịch huyện đảo sẽ phát triển”.
Trong quy hoạch chung, Phú Quý sẽ phát triển xung quanh 5 khu du lịch (KDL) chính. Đó là KDL bãi tắm Doi Dừa có diện tích đất 7ha với 2 khách sạn quy mô từ 30 - 50 phòng; KDL Bãi Nhỏ - Gành Hang, diện tích 10 - 20ha với 3 resort biển cao cấp; KDL Mộ Thầy diện tích gần 20ha với 3 resrot nghỉ dưỡng biển; KDL vịnh Triều Dương diện tích 10ha, xây dựng 2 nhà nghỉ và phố resort; KDL Hòn Tranh có diện tích khoảng 12ha với 3 nhà nghỉ phục vụ khách du lịch sinh thái biển đảo. Còn theo ông Ngô Minh Chính, sắp tới, Phú Quý sẽ được quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, trong đó có tàu khách cao tốc tuyến Phú Quý - Phan Thiết, hệ thống khách sạn, resort cao cấp, các dịch vụ giải trí cũng như công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến. Chắc chắn ngành du lịch Phú Quý sẽ được đánh thức đúng với tiềm năng và nét hấp dẫn rất riêng của mình.
NGUYÊN VŨ