Đập thủy lợi, thủy điện Nước Trong nứt thượng lưu đập tràn

Người dân vùng hạ lưu sông Tang, các xã Sơn Bao, Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Hải (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), dưới con đập dự án Hồ chứa nước Nước Trong đang bất an trước thông tin thân đập của hồ chứa gần 290 triệu m³ nước này bị nứt phần thượng lưu.
Đập thủy lợi, thủy điện Nước Trong nứt thượng lưu đập tràn

Người dân vùng hạ lưu sông Tang, các xã Sơn Bao, Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Hải (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), dưới con đập dự án Hồ chứa nước Nước Trong đang bất an trước thông tin thân đập của hồ chứa gần 290 triệu m³ nước này bị nứt phần thượng lưu.

        Khe thi công bị tách

Tại hiện trường công trường khu vực 5, khoang xả tràn đã có những vết nứt phía thượng lưu thân đập. Trời mưa, khó quan sát nhưng các vết trắng vữa bê tông được phun để xử lý những vết nứt phía thượng lưu và hạ lưu đập vẫn hiện rõ ràng. Bốn lỗ khoan phi 150mm được đơn vị thi công khoan sâu hơn 8m để lấy mẫu bê tông, xác định chiều sâu, chiều rộng vết tách để xử lý. Ngoài ra, có một vết nứt lượn sóng chạy dọc theo thân đập dài gần hết 5 khoang xả tràn dài hơn 70m đã được cắt theo vết nứt hình chữ V, chạy dọc theo vết nứt để xử lý. Đập bê tông không tràn vai phải được xây dựng đến cao trình 122m và vai trái 118,7m, còn 5 khoang đập tràn xả lũ dài 80,5m đã thi công đến cao trình 108,8m với điểm dừng kỹ thuật để dẫn lũ năm 2013.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 (Bộ NN-PTNT), giữa tháng 8, các đơn vị thi công phát hiện tình trạng tách khe thi công giữa khối đổ bê tông cốt thép tường thượng lưu với khối bê tông đầm lăn ở hạ lưu dài 81,5m suốt từ khoang 7 đến khoang 10 với độ rộng vết tách từ 1 - 2,5cm. Việc tách khe thi công khiến mặt bê tông tràn phía thượng lưu từ cao trình 100,4m xuống 97,3m có 6 vết nứt cục bộ không liên tục, một số vết có hiện tượng rò rỉ nước. Một lãnh đạo huyện Sơn Hà rất bất ngờ khi nhận được thông tin về sự cố này bởi sự việc xảy ra không hề được báo cáo cho huyện.

Ông Huỳnh Văn Triêm, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 xác nhận, nguyên nhân tách khe và nứt tường thượng lưu của đập xả tràn có thể do sự kết dính (lực kết dính) chưa tốt giữa khối bê tông đầm lăn đổ sau (CP3) và bê tông tường thượng lưu đổ trước đã cứng. Khối bê tông CP3 đổ sau có sự co ngót, co về hạ lưu làm phát sinh ra ứng suất kéo giữa mặt tiếp xúc của hai khối, sinh ra tách nứt ở khe tiếp xúc. Trong quá trình đổ bê tông CP3 ở hạ lưu của từng đợt đổ (do bê tông chưa cứng hóa) đã tạo ra áp lực ngang tác động lên tường thượng lưu làm suy yếu lực dính kết giữa khối bê tông CP3 đã đổ trước đó với tường thượng lưu. Do sự tích tụ nhiệt của khối bê tông CP3 trong quá trình đông rắn và sau đó giảm xuống làm co tách ở khe tiếp xúc.

Khoan lấy mẫu đánh giá tình trạng nứt để khắc phục và vết nứt nông mặt đập hồ Nước Trong.

Khoan lấy mẫu đánh giá tình trạng nứt để khắc phục và vết nứt nông mặt đập hồ Nước Trong.

        Hiện tượng khuyết tật bê tông

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật ban quản lý, đập Nước Trong cao 68m (từ đáy đập lên mức xả tràn), là một trong những đập cao nhất Việt Nam được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn, áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc để thiết kế thủy công, thiết kế thi công xây dựng công trình. Ông Nghĩa thừa nhận, dù thi công công nghệ bê tông đầm lăn nhưng hiện chưa được xây dựng tiêu chuẩn riêng cho phù hợp với điều kiện, môi trường khí hậu cũng như vật liệu ở Việt Nam mà chỉ vận dụng thực tế, cụ thể vào từng công trình. Ban quản lý đã mời chuyên gia Trung Quốc tham gia ngay từ đầu để phản biện việc tư vấn, giám sát thi công giai đoạn đầu và chuyển giao công nghệ cho Công ty cổ phần Xây dựng 47 thi công. Vì vậy, thiết kế thi công bê tông đầm lăn với đập Nước Trong là hoàn toàn phù hợp.

Về vết tách khe thi công, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nói về chịu lực tổng thể thì không đáng ngại. Các chuyên gia đánh giá, đây là hiện tượng khuyết tật trong bê tông, cộng thêm một số yếu tố khác, trong đó có nước thấm vào, tạo lực về nhiệt nên tách hai khối bê tông ra hơi lớn so với những vết nứt thông thường. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng nhận định hiện tượng này mới, chưa từng thấy trước đây. Khi phát hiện, ban quản lý tiến hành khoan lấy mẫu, kiểm tra, đánh giá vết nứt, báo cáo Bộ NN-PTNT và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, mời các chuyên gia ngoài ngành cùng tham gia đánh giá tại hiện trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, về chịu lực chung, công trình không sợ đổ, sợ lật nhưng nếu để khe trống, lũ lên, nước ngấm vào sẽ tạo áp lực, sau này gây bất lợi và có thể vỡ tường. Ban quản lý đã khắc phục giai đoạn 1 bằng cách khoan neo khối bê tông lại bằng thép phi 32, rót vữa đặc biệt lấp đầy vết tách khe thi công. Riêng các vết nứt đập tràn thượng lưu, việc khắc phục là đục và trát vữa vết nứt không cho nước ngấm vào đã hoàn thành từ cuối tháng 9, đồng thời lắp 10 vị trí quan trắc đặt tại các khoang có hiện tượng trên để quan sát, đánh giá xem có hiện tượng tiếp theo nào xảy ra để tiến hành khắc phục giai đoạn 2 vào năm sau.

Dự án hồ chứa nước Nước Trong có tổng diện tích 460km², diện tích mặt hồ gần 12km² với dung tích chứa gần 290 triệu m³ nước nằm trên hai huyện Sơn Hà và Tây Trà (Quảng Ngãi), trong đó đập chính nằm ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà. Đập gồm các hạng mục như đập không tràn dài 437m gồm 22 khoang và đập tràn xả lũ dài hơn 80m, lưu lượng xả lũ thiết kế là 6.728m³/s, mực nước dâng bình thường 129,5m và mực nước chết 96m. Sau đập tràn là công trình thủy điện Nước Trong đặt tại cao trình 84,4m, với 3 tổ máy có công suất 16 MW. Dự án do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng (năm 2007), khởi công tháng 12-2007 và dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng đến nay chưa xong. Dự án nhằm mục tiêu bổ sung nguồn nước tưới cho 52.600ha đất nông nghiệp thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham vào các tháng mùa khô với mức đảm bảo cấp nước 75%. Cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho Khu kinh tế Dung Quất và 7 huyện, TP Quảng Ngãi.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục