Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2018, quận 2 có 2.704 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán; quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán. Tương tự, quận 12 có 5.358 hồ sơ; huyện Hóc Môn 3.357 hồ sơ; huyện Bình Chánh 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ.
Rất đông người dân nộp hồ sơ nhà đất tại quận 9, TPHCM. Ảnh: LƯƠNG THIỆN
Giá đất tăng miệt mài
Tại TPHCM, đất nền vùng ven cứ sốt và tăng giá liên tục, sôi động nhất là quận 9, Thủ Đức, Cần Giờ, Củ Chi. Một lãnh đạo tại huyện Củ Chi cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư các tỉnh, thành phía Bắc vào Củ Chi mua rất nhiều đất, thậm chí mua một lúc cả chục hécta. Nghe nói họ muốn đón đầu những dự án mới sắp triển khai ở Củ Chi. Tình trạng đầu tư đất ồ ạt cũng diễn ra tương tự ở huyện Cần Giờ, nâng giá đất Cần Giờ lên gấp 5-7 lần, cao ngất ngưởng trên dưới 30 triệu đồng/m². Quận 9 là khu vực tâm điểm trong cơn sốt đất ở TPHCM. Giá đất nhảy múa liên tục ở quận 9 là khu vực đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu) lan sang những vùng lân cận, nơi có những đại dự án nhà ở, hạ tầng xã hội… Khu vực đất hướng ra đường Nguyễn Duy Trinh được các sàn giao dịch bất động sản rao bán 35 triệu đồng/m², so với thời điểm đúng 1 năm về trước thì tăng hơn 40%. Khu vực đối diện dự án Park Riverside trước kia là đầm lầy đang được chủ đầu tư tiến hành san lấp đất, ở mặt tiền đường có giá 100 triệu đồng/m², còn trong hẻm nhỏ thì giá 40 triệu đồng/m², tăng gấp đôi so với 6 tháng trước. Còn những lô đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh khu vực phường Trường Thạnh có giá 1 tỷ đồng với diện tích 54m², trước đó vào tháng 1-2018 giá khoảng 800 triệu đồng. Chị Minh, cư dân trong dự án Nam Long, Phước Long B, cho biết, mấy nền đất bên cạnh nhà đầu năm ngoái kêu giá hơn 1,6 tỷ đồng/nền 90m² chưa ai hỏi, đầu năm nay giao dịch sang tay liên tục giá vọt lên gần 3,5 tỷ đồng/nền! Chị T., một công nhân công ty may, xin nghỉ việc buổi sáng để hỗ trợ bạn bè làm thủ tục sang nhượng lô đất mới mua ngay tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9. Chị cho biết, cách nay 3 ngày, chị mới mua lô đất 4x20m, đã có sổ đỏ, giá 2,4 tỷ đồng, nay có người trả tăng 200 triệu đồng nhưng chị chưa bán. Thực ra, những lô đất tại khu vực phường Tăng Nhơn Phú B đang rao bán không phải là dự án mới mà chủ yếu xuất phát từ việc phân lô hộ lẻ, một khu đất chừng vài trăm hoặc vài ngàn mét vuông rồi phân lô ra từng nền đất có diện tích chừng 80m² hoặc nhỏ hơn. Ở khu vực hẻo lánh “khỉ ho cò gáy” như mé sông gần cầu Trường Phước, đường Nguyễn Xiển, nhưng cũng có giá dao động tới 30-40 triệu đồng/m². Đặc biệt là đường Nguyễn Xiển (phường Long Thạnh Mỹ) đoạn gần cầu Gò Công giá đất tăng mạnh, do giới cò đất đồn thổi là nằm sát bên đại dự án V., bệnh viện và bến xe miền Đông mới. Trước tết âm lịch vừa qua, giá chỉ 1,2 tỷ đồng với diện tích lô đất 56m² thì nay giá đã 1,5 tỷ đồng mà dứt khoát “không bớt một đồng lấy lộc”. Một công ty bất động sản còn cam kết với chúng tôi giá đất sẽ tăng liên tục, trung bình cứ 3 tháng tăng 15%, cao hơn gấp nhiều lần tiền lãi gửi ngân hàng. Từ sau vụ tiền gửi ngân hàng mất khó đòi được, nhiều người đã chuyển sang đầu tư đất nền. Vì sao người dân ồ ạt đầu tư đất như phong trào? Chỉ nhìn vào thị trường, suốt nhiều năm qua, cứ mua nhà đất là có lời, bởi đất nằm một chỗ, không nở thêm nhưng giá đất thì tịnh tiến ồ ạt theo nhu cầu đầu tư. Khi vàng, ngoại tệ không còn là cửa đầu tư tốt, người dân dồn hết vào nhà đất, nhất là đất nền - nơi tiềm năng tăng giá còn nhiều nhất, vì xem đó là “của để dành an toàn” và thực tế, nếu không phải trả lãi vay ngân hàng, của để dành này không bao giờ bị trượt giá! Tại Trung tâm hành chính công thuộc UBND quận 9, những ngày qua, rất đông người dân xếp hàng trước cửa chờ làm thủ tục nhà đất, lượng hồ sơ đất đai nộp làm thủ tục tăng đột biến. 11 giờ 38 phút ngày 13-4, có mặt trong Trung tâm hành chính công, khu vực tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhà đất, chúng tôi nhận thấy vẫn còn hơn 30 người chờ đợi đến lượt nộp hồ sơ. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi, có người cho biết bốc số thứ tự đã 4 giờ trôi qua nhưng vẫn chưa đến lượt. Khu tiếp nhận hồ sơ số 1 số thứ tự lên tới 161, tức là số hồ sơ tiếp nhận buổi sáng đã là 161 hồ sơ, đây là lĩnh vực tiếp nhận hồ sơ đông nhất, trong những ngày qua có những ngày tiếp nhận gần 200 hồ sơ về giao dịch đảm bảo. Còn ô số 2 (nơi trả hồ sơ) thì số thứ tự phát ra đã là 86 trường hợp. Hiện nay khi đất quận 9, Củ Chi tăng quá nóng, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp có xu hướng bán nhanh và chuyển sang các khu vực khác, những nơi dự án cầu đường sắp triển khai hay đang có đồ án quy hoạch. Quan niệm “của để dành” an toàn Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết, trong mấy ngày gần đây số lượng người tìm đến quận để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng vọt. Trước tình hình này, lãnh đạo quận đã chỉ đạo văn phòng và các phòng chuyên môn linh động bố trí một khu vực khác để sử dụng làm bãi đậu xe; yêu cầu văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh quận 9 tăng cường thêm số lượng người để tiếp nhận hồ sơ, tăng cường chuyên viên phụ trách thụ lý hồ sơ làm thêm giờ để không gây ách tắc hồ sơ. Hồ sơ vay xóa thế chấp giải quyết theo hướng hôm nay nhận hồ sơ ngày mai sẽ trả ra. Quận cũng chỉ đạo 13 phường tăng cường cán bộ để cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân nếu có nhu cầu; đồng thời yêu cầu phòng quản lý đô thị cử 2 cán bộ có mặt tại ban tiếp công dân mỗi tuần một ngày để trả lời tất cả các thông tin quy hoạch, pháp lý các dự án. Trước thông tin sốt đất trên diện rộng tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận định, tình trạng sốt đất đang diễn ra trên địa bàn TP xuất phát từ nguyên nhân một số đối tượng tung tin không đúng sự thật, thổi phồng tạo giá trị ảo về bất động sản. Có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất TP tăng ảo. Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo trước thông tin sốt đất, không nên chạy theo đầu tư theo tin đồn, phong trào. “Cán bộ cũng phải có trách nhiệm để tạo ra những thông tin minh bạch, góp phần cho thị trường phát triển bền vững, bảo đảm an ninh xã hội để người dân không bị ảnh hưởng bởi các tin đồn thổi thất thiệt. Ví dụ, khi người dân muốn mua bán đất thì đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Có thể là do quen biết hoặc qua con đường chính thức để tìm hiểu quy hoạch trên địa bàn, quy hoạch tại khu đất muốn mua. Xem có thể đón đầu hạ tầng để hưởng lợi hay không. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao nhưng nếu cán bộ “có lợi ích cá nhân” ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo. Đó chính là trách nhiệm của cán bộ chúng ta” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, chúng ta cần tôn trọng thị trường nhưng phải đúng thực tế chứ không để cho những thông tin ảo đẩy giá tăng để rồi trục lợi. Hậu quả cuối cùng là người dân, chính quyền lãnh đủ. Phó Chủ tịch UBND TP cũng cảnh báo có tình trạng một số đất đai nhà nước đã thu hồi nhưng người dân vẫn cầm giấy photocopy để thực hiện mua bán, giao dịch, nhưng chính quyền chưa kiểm soát được. Đây là mua bán bất hợp pháp, dẫn đến khiếu nại. Chính quyền phải kiểm soát tình hình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Công an TP và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng giấy tờ nhà đất photocopy người dân không hoàn trả để buôn bán bất hợp pháp.
Giao dịch chuyển nhượng tại các quận - huyện ngoại thành TPHCM tăng mạnh
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dư Huy Quang - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (thuộc Sở TN-MT TP), cho biết, trong tháng 1-2018, đối với hồ sơ cá nhân, về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Cấp GCN lần đầu: 1.923 hồ sơ; cấp GCN nhà, đất thuộc dự án: 116 hồ sơ; công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp GCN: Cấp đổi, cấp lại GCN, cấp GCN do chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn: 31.545 hồ sơ, trong đó cập nhật trên trang 3,4 GCN là 25.639 hồ sơ; cấp mới GCN là 5.906 hồ sơ.
Trong tháng 2-2018, về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Cấp GCN lần đầu: 3.621 hồ sơ; cấp GCN nhà, đất thuộc dự án: 91 hồ sơ; công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp GCN: Cấp đổi, cấp lại GCN, cấp GCN do chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn: 32.464 hồ sơ, trong đó cập nhật trên trang 3,4 GCN là 25.500 hồ sơ; cấp mới GCN là 6.964 hồ sơ.
Trong tháng 3-2018 về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: cấp GCN lần đầu: 1.344 hồ sơ; cấp GCN nhà, đất thuộc dự án: 85 hồ sơ; công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp GCN: Cấp đổi, cấp lại GCN, cấp GCN do chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn: 23.120 hồ sơ, trong đó cập nhật trên trang 3,4 GCN là 18.962 hồ sơ; cấp mới GCN là 4.158 hồ sơ. Đăng ký giao dịch bảo đảm: 14.081 hồ sơ, trong đó hồ sơ thế chấp là 8.504 hồ sơ; hồ sơ xóa thế chấp là 5.577 hồ sơ.
Trong tháng 2-2018, về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Cấp GCN lần đầu: 3.621 hồ sơ; cấp GCN nhà, đất thuộc dự án: 91 hồ sơ; công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp GCN: Cấp đổi, cấp lại GCN, cấp GCN do chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn: 32.464 hồ sơ, trong đó cập nhật trên trang 3,4 GCN là 25.500 hồ sơ; cấp mới GCN là 6.964 hồ sơ.
Trong tháng 3-2018 về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: cấp GCN lần đầu: 1.344 hồ sơ; cấp GCN nhà, đất thuộc dự án: 85 hồ sơ; công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp GCN: Cấp đổi, cấp lại GCN, cấp GCN do chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn: 23.120 hồ sơ, trong đó cập nhật trên trang 3,4 GCN là 18.962 hồ sơ; cấp mới GCN là 4.158 hồ sơ. Đăng ký giao dịch bảo đảm: 14.081 hồ sơ, trong đó hồ sơ thế chấp là 8.504 hồ sơ; hồ sơ xóa thế chấp là 5.577 hồ sơ.
Giá đất các tỉnh lân cận TPHCM cũng sốt
Tình hình mua bán đất thổ cư, đất ruộng ở các huyện vùng ven của Long An tiếp giáp với TPHCM đang diễn ra rất sôi động. Người mua chủ yếu là ở TPHCM, phần đông là họ mua đất để “đón đầu” để kiếm lời, do gửi tiền vào ngân hàng lãi suất không nhiều, còn rút tiền ra mua đất, nếu “hên” thì họ có thể thu lời gấp rất nhiều lần đồng vốn bỏ ra, nên nhiều người lao vào và tạo ra “cơn sốt” đất. Tại Đồng Nai, trên tuyến đường chính ở khu D2D thuộc 2 phường Thống Nhất và Trung Dũng, giá đất đã tăng lên đến 50 triệu đồng/m², tăng khoảng 20% so với thời điểm trước tết. Sát khu D2D, giá đất tại tuyến phố Võ Thị Sáu đang được giao dịch ở mức từ 60-90 triệu đồng/m², tăng khoảng 15% so với thời điểm trước tết. Tuyến đường Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận cũng có mức giá lên tới 50 - 90 triệu đồng/m², cao ngang bằng giá đất Thủ Thiêm. Một số vị trí vàng khác tại TP Biên Hòa ghi nhận mức giá tăng mạnh như đường 30/4 (50 -70 triệu đồng/m²), Cách Mạng Tháng Tám (50 - 80 triệu đồng/m²)… Dọc theo quốc lộ 51 từ thị trấn Long Thành đến đường ĐT 769, đi sâu vào vùng quy hoạch sân bay, những tấm biển quảng cáo, mời chào mua đất nền mọc lên như nấm và đất được rao bán nhiều nhất là ở xã Bình Sơn và Lộc An.
Tại Bình Dương, ở các thị xã Bến Cát, Dĩ An, Thuận An, TP Thủ Dầu Một, giá đất trong quý 1-2018 tăng từ 20% - 30% so với những tháng cuối năm 2017. Tại các phòng công chứng và UBND các huyện thị, TP ở Bình Dương, lượng hồ sơ xin xác nhận và hoàn thiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai cũng tăng vọt. Chỉ trong một buổi sáng ngày 13-4, Phòng công chứng số 2 (thị xã Thuận An) tiếp nhận khoảng hơn 100 bộ hồ sơ, tăng hơn 40% lượng hồ sơ so với những ngày trước tết 2018.
Đất “Đặc khu Vân Phong” nóng từng ngày
Dù Thủ tướng chưa ký quyết định thông qua đề án đặc khu Bắc Vân Phong nhưng giá đất tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (nơi được tỉnh Khánh Hòa chọn đề xuất làm đặc khu) đang nóng lên từng ngày, thậm chí nhiều người còn tổ chức vạt núi, phá rừng chiếm đất để bán. Cụ thể, vào tháng 10-2017, thời điểm trước khi Khánh Hòa đề xuất lấy cả huyện Vạn Ninh làm đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong (đặc khu Bắc Vân Phong) giá đất vườn, đất lâm nghiệp ở khu vực này chỉ từ 300.000 - 700.000 đồng/m², thì nay đã lên đến 1-3 triệu đồng/m². TP Đà Nẵng: Giá đất tăng 100% so với cuối năm 2017 Tại Đà Nẵng, trong khoảng 2 tháng qua, sốt đất liên tục diễn ra ở nhiều nơi mức tăng từ 30%, rồi lên 50% và nay là tăng hơn 100% so với hồi cuối năm 2017. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhân viên môi giới bất động sản tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), nơi có lượng giao dịch bất động sản lớn nhất TP Đà Nẵng hiện nay, cho biết, nếu thời điểm cuối năm 2017, 1 lô đất 100m² mặt tiền đường 7,5m có giá khoảng 1 - 1,3 tỷ đồng thì nay có giá khoảng 2,2 - 2,5 tỷ đồng/lô. Tại khu vực ven biển Đà Nẵng như đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa, Trần Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt..., các nhà đầu tư thu gom hết các lô đất có diện tích lớn để xây dựng cao ốc, nhà hàng, khách sạn...
Phú Quốc: Giá đất tăng chóng mặt
Giá đất ở Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đã tăng chóng mặt. Hiện giá 1 công (1.000m2) đất dạng cây lâu năm ở đây lên tới 18 tỷ đồng. Tại khu vực Cửa Lấp (xã Dương Tơ), giá đất nông nghiệp giao dịch ngày 10-4 đã lên đến mức 52 tỷ đồng/1.000m2, nhưng chưa thấm gì với địa bàn thị trấn Dương Đông. Giá đất trên trục đường Trần Hưng Đạo lên đến mức trên 150 tỷ đồng/1.000m2. Thậm chí, sáng mua chiều bán có thể lời hàng tỷ đồng, dù người mua chưa hề nhìn thấy mảnh đất của mình ở đâu!