Đất, nước và an ninh lương thực

Ủy ban An ninh lương thực thế giới (CFS) thuộc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) vừa qua đã thông qua hướng dẫn về việc mua bán đất nhằm bảo vệ an ninh lương thực tại các nước nghèo. Đây được xem là cột mốc lịch sử đánh dấu sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đẩy lùi đói nghèo.

Thời gian gần đây, việc bán và thuê đất trồng trọt trên quy mô lớn gây ra nhiều tranh cãi. Các tổ chức phi chính phủ tố cáo những tác động tiêu cực của việc tư nhân mua lại đất quy mô lớn tại các nước nghèo, nhất là ở châu Phi và châu Á.

Theo một số nghiên cứu, khoảng 200 triệu ha đất đã được bán hoặc cho thuê trong khoảng thời gian từ năm 2000-2010. Việc mua bán đất đai này thường không mang lại lợi ích cho dân cư địa phương. 1/4 trong số diện tích đất mua được dùng để trồng cây làm nhiên liệu sinh học.

Theo các dữ liệu của Dự án Land Matrix (kho dữ liệu trực tuyến về thỏa thuận mua bán đất quốc tế), việc các công ty tư nhân mua lại đất đai của các cộng đồng địa phương càng bị phản đối gay gắt trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm tăng cao từ năm 2008.

Theo FAO, xóa đói phụ thuộc vào cách thức con người, các cộng đồng dân cư tiếp cận và quản lý các nguồn tài nguyên như đất, rừng, biển. Các nguồn tài nguyên này đang dần bị cạn kiệt do một số khu vực đẩy mạnh việc sản xuất lương thực cung cấp cho dân số thế giới ngày một tăng nhanh; quá trình đô thị hóa lan rộng và suy thoái môi trường. Khu vực nông thôn thiếu đất trồng trọt là yếu tố dự đoán chính xác về việc thiếu lương thực và nghèo đói.

Trong khi đó, quyền sở hữu đất không phù hợp, không được bảo vệ có thể khiến xung đột gia tăng, khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, chỉ dẫn của FAO nhấn mạnh đến quyền của các cư dân bản địa đối với đất đai, sự bình đẳng giới trong việc sở hữu đất đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư tư nhân cần tôn trọng nhân quyền và quyền sở hữu của người dân.

Theo tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva, việc thừa nhận “quyền sở hữu theo phong tục tập quán” trong hướng dẫn này là một điều hết sức quan trọng đối với hàng triệu nhà nông, người làm nghề rừng, cũng như những người khai thác hải sản trên quy mô nhỏ.

Văn bản dài khoảng 40 trang của Tổ chức FAO không mang tính bắt buộc mà chỉ là nguyên tắc nhằm khuyến cáo các quốc gia cải thiện chế độ sở hữu đất và cung cấp cho chính phủ các nước những chỉ dẫn giúp cho việc quản trị tốt hơn quyền sở hữu đất. Theo FAO, cần xây dựng hệ thống pháp luật thích ứng dành cho các cộng đồng địa phương quyền được thông tin, được đưa ra ý kiến, trong những trường hợp đất đai trồng trọt bán đi hay cho thuê trên quy mô lớn. Ông Angel Strappazzon - thành viên phong trào nông dân quốc tế La Via Campesina - cho rằng chỉ dẫn của FAO là bước đi hết sức tích cực và chính phủ các nước cần dựa vào để xây dựng các chế tài đối với việc mua bán đất.

Tuy nhiên, đã có một số ý kiến không đồng tình với FAO. Theo ông Stephane Parmentier thuộc Tổ chức Oxfam, thiếu sót cơ bản của văn bản này là không lên án hành động chiếm đoạt đất đai và các tài nguyên khác. Ngoài ra, một điều thiếu sót nữa là văn bản đã không đả động đến tài nguyên nước, một yếu tố vô cùng hệ trọng đối với an ninh lương thực. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục