Đất thiêng Côn Đảo

Côn Đảo trong tâm thức mọi người là địa ngục trần gian dưới chế độ Mỹ-ngụy, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng kiên cường của những nhà cách mạng, những người yêu nước Việt Nam. Trải qua 113 năm đen tối đọa đày, Côn Đảo như một bản cáo trạng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc.
Đất thiêng Côn Đảo

Côn Đảo trong tâm thức mọi người là địa ngục trần gian dưới chế độ Mỹ-ngụy, nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng kiên cường của những nhà cách mạng, những người yêu nước Việt Nam. Trải qua 113 năm đen tối đọa đày, Côn Đảo như một bản cáo trạng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc.

Du khách viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Phan Trung

Du khách viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Phan Trung

Côn Đảo không chỉ sáng ngời những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù của những người chiến sĩ yêu nước mà còn lắng đọng trong mỗi người khi có dịp đến thăm Côn Đảo tấm lòng nhân ái, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong  hoạn nạn, thậm chí ngay cả trước khi chết. Biểu tượng gây xúc động nhất là tượng đài “Chết còn cởi áo cho nhau” ở sân hành lễ nghĩa trang Hàng Dương. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được thể hiện từ câu chuyện có thật. Người trao áo là đồng chí Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai (1930). Người nhận áo là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những trận đòn của mật thám và sự tra tấn, đày đọa của kẻ thù ở Côn Đảo làm ông kiệt sức. Trước khi chết, ông cởi tấm áo tù của mình khoác lên người đồng chí Lê Duẩn với lời trăn trối: “Ráng sống mà phục vụ cách mạng”. Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần: “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng”. Ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1942. Ngoài tên gọi khủng khiếp “địa ngục trần gian”, nơi đây còn có nhiều địa danh nổi tiếng khác như cầu Ma Thiên Lãnh, có trên 380 người đã chết khi xây dựng 2 mố cầu. Tiếp theo là cầu tàu nơi có 914 người chết trong quá trình lao công, từ đấy có tên gọi cầu tàu 914. Trong hơn 113 năm từ thời thực dân Pháp đến thời Mỹ-ngụy, những nhà tù Côn Đảo đã giam cầm thường xuyên từ 6.000 đến 10.000 tù nhân với những cảnh tra tấn tàn bạo khiến cho dư luận trong nước và thế giới vô cùng phẫn nộ.

Ngày nay, Côn Đảo không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, truyền thống cách mạng, mà còn là một thiên đường du lịch khám phá. Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo giống như một chú gấu vươn mình ra biển Đông, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh và bờ cát dài… được che mát bởi những hàng cây bàng cổ thụ. Nơi đây còn là vườn quốc gia với rừng nguyên sinh và thảm động thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài cá đủ màu tung tăng bơi lội bên những rặng san hô nhiều tầng đầy màu sắc. Đặc biệt Côn Đảo là một trong những nơi hiếm hoi tại Việt Nam về bảo tồn bò biển (Dugong), cá heo, các loại rùa biển (vích)... Vùng đất giữa biển trời mênh mông này là đảo ngọc trong tâm hồn những người yêu chuộng hòa bình và tự do, là thiên đường nghỉ dưỡng, học tập truyền thống, phục vụ du lịch.

Lưu Hoàng Vân

Tin cùng chuyên mục