Tôi xa quê hương An Phú, Quỳnh Phụ, Thái Bình đến nay vừa tròn 40 năm. Ngần ấy thời gian là quá nửa đời người. Làng tôi xưa nghèo khó, mái rạ đơn sơ; những nông dân áo nâu sòng vá đụp, quanh năm tất bật ngược xuôi để kiếm miếng ăn. Vậy mà bữa cơm chỉ khoai sắn độn rau. Mười mấy năm nay, mỗi lần về quê tôi thấy nhiều thay đổi, làng giờ đã lên phố. Những con đường cát nhỏ hẹp giờ rộng rãi, trải nhựa phẳng phiu. Nhiều nhà tầng, biệt thự mọc lên trên vùng đất ao tù, nước đọng xưa. Quê tôi là một trong số ít địa phương có số lượng học sinh thi đậu đại học và chiếm ngôi vị thủ khoa vào loại cao nhất cả nước.
Phố trong làng
Làng tôi có 2 chợ. Chợ Đó đầu làng được hình thành từ mấy chục năm trước. Chợ họp vào buổi sáng, bán đủ thứ hàng hóa phục vụ người dân trong thôn và cả khu vực xung quanh. Chợ đầu mối rau màu hình thành cách nay chừng 10 năm. Những người buôn bán ở đây hầu hết là nông dân. Ban đầu họ bán sản phẩm mình làm ra, sau mới tới rau của bà con chòm xóm. Còn bây giờ, rau màu được chở từ các xã lân cận tụ về. 12 giờ trưa, tôi có mặt tại khu chợ này, rau củ quả chất đầy 2 bên đường làng. Cả chục xe tải đang lên hàng để chở ra Thái Bình, Nam Định, Hà Nội... tiêu thụ. Hàng loạt hàng quán “ăn theo”: lòng lợn tiết canh, thịt chó, giò lụa, giò pha… phục vụ tận “răng” các “thượng đế”.
Cháu Đào Văn Dũng, một trong những tay buôn rau củ quả cừ nhất làng kể: “Mỗi ngày ô tô chở hàng của cháu ra Nam Định, Hà Nội… trị giá khoảng 20 triệu đồng. Tuy vất vả nhưng cháu lời được vài triệu đồng mỗi chuyến”. Dũng năm nay ngoài bốn mươi tuổi, mồ côi từ nhỏ. Thời bao cấp khó khăn, cũng như nhiều người dân trong làng, ngoài đồng áng, cháu còn tần tảo sớm khuya chạy chợ kiếm ăn. Nhờ tằn tiện nên cháu có đồng vốn tới bây giờ. Những người kinh doanh rau màu như cháu Dũng ở quê tôi cất được nhà tầng, biệt thự, sắm xe tải, xe du lịch… phải có đến vài chục người.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, cựu giáo chức, giờ là trưởng ban di tích thôn, quê tôi có tên chữ là An Phú, nhưng thường gọi là làng Đó. Chữ An Phú có nguồn gốc từ An Đổ. Chữ Đổ sau này được gọi trệch thành chữ Đó. Thời cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện lỵ được đặt trên đất của làng. Qua nhiều thế hệ thấy dân cần cù làm ăn, cuộc sống sinh sôi, thanh bình nên trong một lần kinh lý, cụ Trạng trình đã cải tên cho làng từ An Đổ thành An Phú. Làng tôi có diện tích chừng một cây số vuông.
So với miền Bắc, An Phú là một làng lớn. Làng nằm cạnh đường 216, cách thị trấn Quỳnh Côi chừng 1km; là trung tâm, đặt trụ sở của Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Hải. Làng tôi đất chật người đông (20,4ha đất thổ cư, 815 hộ với trên 3.500 người) nhưng diện tích canh tác chung chỉ có 126 ha. Trong cái khó vẫn ló cái khôn, đất được quay vòng 1 năm 4 vụ (chủ yếu trồng màu - mùa nào thức ấy). Những năm 1960- 1970, An Phú đã là cái nôi của cánh đồng 50 triệu đồng/ha; nổi tiếng với nghề trồng bông vải, thuốc lào. Bông vải An Phú thuộc loại tốt nhất miền Bắc lúc bây giờ. Thuốc lào cũng nổi tiếng không kém nên được bán ở khắp nơi. Năm 1966, Tổng bí thư Lê Duẩn đã về đây thăm đồng.
Bây giờ, không còn ai trồng thuốc lào và bông vải nữa, chỉ chuyên canh trồng các loại rau màu, bắp cải, xu hào, hành, tỏi, ớt… Thu nhập tăng lên gấp 4- 5 lần. Trình độ thâm canh của những “lão nông tri điền” nơi đây thuộc loại siêu đẳng.
Làng có 20 biệt thự, hàng trăm nhà tầng, gần trăm chiếc xe tải và xe du lịch. Gần như nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh và các phương tiện phục vụ đời sống hàng ngày. Thời bao cấp, nhà ông Thới, ông Thự và hàng chục gia đình khác thuộc loại nghèo nhất làng vì có năm phải cứu đói. Bây giờ mấy đứa con ông Thới, ông Thự và các gia đình khác đều khá giả hết. Quê tôi có người tài sản lên đến cả trăm tỷ đồng- đó là cháu Đa, con Vệ- Đông. Một làng quê của đồng bằng Bắc bộ, xa thủ đô Hà Nội cả trăm cây số mà đạt được như thế tưởng cũng hiếm lắm.
Văn hóa làng - Làng văn hóa
Chị dâu tôi tên Chớt, cựu giáo chức, năm nay đã 70 tuổi. Ở nhà buồn nên chị bàn với một số người trong thôn động viên các cháu thanh niên có năng khiếu văn nghệ khôi phục lại đoàn chèo của làng. Diễn viên chèo là những nông dân trẻ. Ban ngày, họ vác cày, cầm cuốc ra đồng; tối về tập trung ở đình làng tập chèo. Lớp diễn viên này đã kế tục được nghiệp chèo của cha ông. Đội chèo làng An Phú không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong làng, trong xã mà cả các xã lân cận.
Những năm đầu thế kỷ 20, làng tôi đã có một đội tuồng cổ. Lớp diễn viên ấy thuộc hạng tài hoa. Họ đi biểu diễn khắp nơi, từ Thái Bình, Nam Định đến Hải Phòng, Quảng Ninh… Đó là lớp bố tôi: ông Phóng, ông Mã, ông Cự, bà Miện…
Những năm 1960- 1963, đoàn tuồng vẫn còn nhưng phần lớn diễn viên đã già yếu, nên nghỉ. Lớp kế cận không đủ khả năng “chơi” tuồng cổ nữa nên thành lập đoàn chèo. Lớp diễn viên này diễn và hát rất hay như: cô Ngọ, cô Man, anh Trấn, anh Hà, anh Phạ…
Những năm chống Mỹ, cuộc sống khó khăn, các diễn viên cũng phải lo toan cho miếng cơm manh áo gia đình nên đoàn chèo phải giải tán; anh Phạ, anh Hà lên Đoàn văn công Quảng Ninh và Đoàn chèo Thái Bình. Mãi gần đây, đoàn chèo mới được phục hồi. Đó là một nỗ lực lớn của những người yêu văn nghệ làng An Phú.
Quê tôi cũng có thể được coi là một trong những làng hay chữ. Từ thế hệ này đến thế hệ khác; đặc biệt 15 năm trở lại đây, các cháu trong làng đều tranh đua nhau học. Theo tôi được biết, ngoài học cho có kiến thức thì học còn để thoát nghèo. Vì thế, nhà nào cũng phải làm cật lực để kiếm tiền nuôi con cháu ăn học.
Suốt 10 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 50 cháu vào cấp 3; trong đó có 20 cháu vào lớp chọn. Số thi đậu đại học cũng khoảng 30- 35 cháu mỗi năm. Gần đây, số cháu đậu thủ khoa các ngành: bách khoa, y dược… cũng tăng lên. Năm ngoái, cháu Phạm Đình Cường thi đậu thủ khoa với số điểm tối đa 30/30. Vài ba năm trước nữa, các cháu: Lê Hùng, Lê Hưng… cũng đậu thủ khoa với 29,5 điểm.
Ngoài ra còn nhiều cháu đậu điểm cao vào các trường danh tiếng như: Đại học Y dược, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia, Đại học Kiến trúc và Xây dựng ở Hà Nội… Ở An Phú có 15 dòng họ. Đông nhất là họ Nguyễn (có tới 8 dòng). Ngoài ra còn có họ Phạm, Đào, Vũ, Lê. Họ nào cũng lập giải thưởng cho các cháu học giỏi. Rất nhiều người xa quê như chúng tôi cũng có đóng góp hỗ trợ, động viên các cháu con nhà nghèo học giỏi.
Mỗi lần về quê tôi đều ghé thăm thư viện của làng. Thư viện nằm trong căn nhà cổ của ông Nguyễn Văn Toản. Trước cửa thư viện có một ao sen rất thơ mộng. Cách nay vài năm, cháu Phạm Bắc Cường, cử nhân báo chí hiện công tác tại TPHCM đã có sáng kiến lập ra thư viện này. Cháu kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp tiền, sách, báo cho thư viện. Cháu Nguyễn Văn Quân là thầy thuốc đông y vừa khám bệnh bốc thuốc vừa trông coi thư viện. Hàng ngày, không chỉ người dân trong làng, xã mà cả các xã trong huyện đến đây đọc và mượn sách báo về đọc.
Các báo: Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự đa dạng của thư viện. Thư viện làng có đủ các loại sách báo, phục vụ đa dạng độc giả. Gần đây, các cháu Phạm Bắc Cường và Nguyễn Văn Quân cũng tổ chức một cuộc hội thảo về “không gian đọc”, mời được cả các nhà khoa học có tiếng về dự. Cháu Quân khoe: mỗi năm có cả ngàn lượt người tham quan thư viện và tham gia đọc sách báo. Đây là một trong hai thư viện “làng” điển hình của tỉnh Thái Bình.
Văn hóa làng- làng văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức người dân An Phú. Chúng tôi, những người xa quê nhiều năm cũng không bao giờ quên nguồn cội của mình. Ở đó đã sản sinh ra biết bao người tài hoa phụng sự cho Tổ quốc thân yêu.
LÊ BÌNH