Dấu ấn Đồng Tháp

5 năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh nhiều mặt không thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… đã giúp tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. 

Nhiều khởi sắc

Theo Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đồng Tháp xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu. Tình hình kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6,44%. Ước tính đến cuối năm 2020, giá trị GRDP đạt hơn 87.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng/năm, tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến cuối năm 2020, ước đạt 8.500 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,7%; thương mại - dịch vụ chiếm 46,4%; nông - lâm - thủy sản chiếm 33,9%... Từ những kết quả trên, tỉnh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 7,5%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD); thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm… 

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2015-2020 (nay giữ chức Thứ trưởng Bộ NN-PTNT), bộc bạch: “Thời gian qua, tỉnh kiên trì tạo dựng hình ảnh “Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen” đã lan tỏa nhiều giá trị, khơi gợi niềm tự hào và trách nhiệm trong mỗi người dân đất sen hồng. Đưa hình ảnh đặc trưng, khác biệt vượt ra khỏi địa giới hành chính của địa phương. Từ mỗi người dân đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tích cực thể hiện tính chủ động, sáng tạo, hun đúc tinh thần tự lực, tự cường của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà; hướng tới một xã hội chú trọng việc tạo dựng các giá trị tự tin, tự chủ, hợp tác, hài hòa, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi không ngừng”.

Dấu ấn Đồng Tháp ảnh 1 Đồng Tháp vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020- 2025

Cũng theo đồng chí Lê Minh Hoan, Đồng Tháp không tự mãn với những kết quả đạt được, không tự bằng lòng với chính mình mà luôn trăn trở về câu hỏi: Đồng Tháp đứng ở đâu so với các địa phương khác trong cả nước? Không chỉ đánh giá mức độ phát triển qua các năm, hay các chỉ tiêu theo nhiệm kỳ mà thẳng thắn phân tích tương quan phát triển giữa Đồng Tháp với các địa phương có điều kiện, đặc điểm tương đồng trong khu vực và cả nước. Từ đó, Đồng Tháp mạnh dạn nhìn nhận, xem xét khách quan mức độ phát triển hiện tại đã tương xứng với tiềm năng, đã tối ưu hóa các nguồn lực và tiềm lực có thực sự được đánh thức chưa... Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng phát triển phù hợp trong những năm tới.

Để “đóa sen hồng” tỏa hương

Mới đây, trong chuyến công tác về Đồng Tháp chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được thời gian qua. Kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông được chú trọng nâng cấp.

Đồng Tháp dần chấm dứt cảnh “qua sông phải lụy đò” hàng thập niên qua; diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, khang trang và xanh - sạch -  đẹp hơn. Ngành nông nghiệp được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với một số mô hình tốt và xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đặc biệt, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL và luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là thành tích rất đáng trân trọng mà tỉnh đạt được. 

Đồng Tháp cũng là tỉnh dẫn đầu ĐBSCL về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với phương châm “đi làm thuê - về làm chủ”. Về du lịch thì vùng đất và con người Đồng Tháp được biết đến thông qua hình ảnh thương hiệu “Đồng Tháp - đất sen hồng”, là một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương. Có thể nói, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đồng Tháp năm sau cao hơn năm trước; làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã đẹp lại càng đẹp hơn trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới cần xác định động lực và nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn mới chính là con người, khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường; biến khó khăn, thách thức thành khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân với tinh thần đoàn kết; tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, để Đồng Tháp thật sự trở thành “đóa sen hồng” tỏa hương, vươn lên trong khu vực và cả nước. 

Song song đó, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, nội lực là yếu tố quyết định, chiến lược cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Thường xuyên quan tâm đầu tư thích đáng, đồng bộ và chăm lo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; trong đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, thích ứng nhu cầu thị trường. Cần nhận diện rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Tháp trong mối tương quan chung của khu vực và cả nước. Từ đó, xây dựng mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh nên lấy phát triển hạ tầng, lấy giáo dục - đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ làm động lực. Lựa chọn khâu đột phá phù hợp với đặc điểm tình hình, tính khả thi và nhất là phù hợp với nguồn lực để thực hiện có hiệu quả. Song song đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì và nâng cao PCI; dựa vào đó để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.  Từng bước đưa công nghiệp chế biến thành ngành mũi nhọn của tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc của địa phương.

Xây dựng chính quyền năng động

Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tiên phong, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng chính quyền điều hành năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng lực công nghiệp, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Chiến lược đột phá phát triển giai đoạn 2020-2025

Tỉnh sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc qua địa bàn. Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có; đầu tư các tuyến đường mới phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Quan tâm tập huấn kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc lan tỏa sang các địa phương. Phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái. Tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp...

Tin cùng chuyên mục