Dấu chân của Mẹ

1-
Dấu chân của Mẹ

1- Sống trên cõi đời này, ai cũng có ít nhất một bà mẹ để yêu thương, kính trọng. Ngoài bà mẹ đã mang nặng đẻ đau, dục dưỡng mình thành người, nhiều người trong chúng ta còn có thêm những bà mẹ nữa. Ấy là những bà mẹ không trực tiếp sinh thành ra ta, nhưng có công dạy dỗ, nuôi dưỡng, che chở, làm chỗ dựa tinh thần cho ta trong cả quá trình hoàn thiện mình để trở thành một con người chân chính. Trong số các bà mẹ ấy, trước hết phải kể đến những bà mẹ chiến sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng cho đất nước những đứa con ruột thịt và những người thân yêu nhất.

Lãnh đạo địa phương và đông đảo người dân viếng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: ĐỨC MINH

Lãnh đạo địa phương và đông đảo người dân viếng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: ĐỨC MINH

Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam là một trong những bà mẹ như thế. Cách đây không lâu, tôi có may mắn được đến thăm mẹ. Vừa đến Đà Nẵng, nghe tin mẹ đang yếu, tôi đã cùng anh em thu xếp công việc về ngay với mẹ. Từ thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đi qua những xóm làng mà dù chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, dấu ấn về những năm tháng chiến đấu gian khổ và oanh liệt vẫn còn lưu giữ trên khuôn mặt của mỗi con người và từng tấc đất quê hương. Đến ngôi nhà nhỏ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi không gặp được mẹ. Người con gái đầu của mẹ đã hơn 80 tuổi, cũng là một bà mẹ Việt Nam anh hùng, dẫn chúng tôi thăm gia đình. Chúng tôi rón rén bước thật nhẹ đến thắp nhang bàn thờ mà lòng trào dâng cảm xúc.

Do đặc thù nghề nghiệp, tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên đất nước ta, và cũng đã được nhiều lần đứng trước bàn thờ thắp nhang viếng hương hồn các liệt sĩ. Nhưng bước chân vào căn nhà của mẹ Thứ, tôi có cảm giác thật kỳ lạ. Đứng trước dãy bàn thờ hơn mười bát nhang với những tấm bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh của các liệt sĩ, tôi có cảm giác như mình đang bay bổng, như đang được trò chuyện với những người đã khuất.

Trong mấy cuộc chiến tranh vệ quốc, mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hiến dâng cho đất nước 13 người thân yêu, ruột thịt, đó là chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 đứa cháu ngoại. Có thể nói trong số gần 45 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu tri ân cao quý này, mẹ Thứ là người đã hiến dâng nhiều người thân yêu, ruột thịt nhất cho đất nước. Tôi lần giở theo dấu chân của mẹ…

Sinh vào những năm đầu thế kỷ 20, cả cuộc đời mẹ Thứ đã hy sinh vì Tổ quốc. Căn nhà và khu vườn của mẹ là chứng nhân của một thời gian khổ, ác liệt mà vinh quang ấy. Người con gái đầu của mẹ đã dẫn chúng tôi đi thăm khắp lượt căn nhà. Đây là mảnh vườn, trước kia chi chít các hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đây là chiếc nồi đồng mẹ đã từng nấu cơm cho bộ đội và các con của mẹ trong những ngày kháng chiến ác liệt.  Ngày ấy, nhà mẹ là địa chỉ “đen”, kẻ thù thường lui tới rình rập. Để che mắt địch, mẹ phải nuôi nhiều bò trong sân vườn để ngụy trang các hầm bí mật. Nuôi giấu, bảo đảm an toàn cho cán bộ cách mạng, nhưng những đứa con và các cháu của mẹ thì đương đầu trước mũi tên hòn đạn và lần lượt ra đi.

Tôi bỗng nhớ đến bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên về các bà mẹ Việt Nam: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”. Mẹ Thứ không chỉ thế, không chỉ ba lần tiễn con, mà mẹ đã hơn mười lần tiễn chồng, con, các cháu ra đi và họ đã không trở về… Cũng như mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị, mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam, tiễn 9 người con; mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận, mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi (TPHCM) tiễn 8 người con…,  mẹ Nguyễn Thị Thứ và các bà mẹ Việt Nam “khổ đau nhiều nên thương yêu lắm” đã hiến dâng cho đất nước những người thân yêu để có được độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Người con gái đầu của mẹ kể rằng, lúc còn khỏe, gần như đêm nào mẹ cũng thức trắng. Mẹ mò mẫm suốt đêm thắp nhang và trò chuyện với những người đã khuất. Có đêm mẹ chống gậy ra vườn, lầm rầm trò chuyện, như thể chồng và các con của mẹ vẫn còn sống, đang cùng mẹ bàn việc nhà, việc nước.

2- Đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2007), Đài Tiếng nói VN và tỉnh Quảng Nam đưa ra sáng kiến xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ý tưởng hợp lòng dân ý Đảng ấy đã vượt qua tầm của một địa phương, trở thành vấn đề của toàn quốc. Một đơn vị báo chí đã vào cuộc kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội. Một ban tổ chức đã được thành lập và công việc trước tiên là tạo mẫu tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Có nhiều ý kiến khác nhau về tạo dựng bức tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có người đề xuất tượng đài phải có đầy đủ đặc trưng vùng miền. Miền Bắc áo tứ thân, khăn mỏ quạ; miền Nam áo bà ba, bỏm bẻm nhai trầu; miền Trung dáng lưng còng và mẩu thuốc lá trên tay… Cuối cùng, người ta đã quyết định chọn Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ làm nguyên mẫu. Ban tổ chức hoàn toàn có lý. Nét văn hóa vùng miền là điều có thật, nhưng biểu tượng cao nhất, chung nhất của bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ thế mà là đức hy sinh vì chồng, vì con, vì quê hương, đất nước. Mẹ Nguyễn Thị Thứ là một bà mẹ có đầy đủ tố chất ấy. Mười mấy tấm bằng Tổ quốc ghi công. Và đằng sau ấy là gương mặt đầy vết chân chim và ánh mắt ấm áp, bao dung của mẹ đã là đặc trưng rõ nhất của bà mẹ Việt Nam qua mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tác phẩm của họa sĩ Đinh Gia Thắng đã được chọn làm mô hình để xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trên diện tích 15ha, tại núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ sẽ là công trình văn hóa hôm nay và là di sản văn hóa để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Khối tượng đài đồ sộ, hoành tráng ấy chưa hoàn thành thì mẹ Nguyễn Thị Thứ đã ra đi…

3- Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì mẹ Nguyễn Thị Thứ đã về với lòng đất mẹ. Mẹ đã thỏa ước gặp lại chồng, các con, các cháu và biết bao người thân yêu dưới nơi chín suối. Có lẽ không thể nào  viết hết, nói hết về mẹ trong giờ phút linh thiêng này. Dù tượng đài về mẹ chưa hoàn thành, nhưng trong lòng mỗi người, hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ và các bà mẹ Việt Nam anh hùng  cứ ấm áp mãi trong tim, cứ sừng sững, lồng lộng giữa trời xanh. Theo quy luật của muôn đời, các bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng.

Hỡi những ai đang có hạnh phúc còn mẹ hãy làm tròn chữ Hiếu để mẹ vui lòng… Hỡi tất cả chúng ta - những người đang được sống trong bình yên, ấm no, hạnh phúc, hãy làm hết sức mình vì dân, vì nước để xứng đáng với sự hy sinh to lớn và tấm lòng bao la của mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ra đi, nhưng DẤU CHÂN CỦA MẸ mãi còn với quê hương đất nước.

Tùy bút của Trần Thế Tuyển
Đêm 13-12-2010

Tối 13-12, tại nhà mẹ VNAH Lê Thị Trị (con gái mẹ Thứ), Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng (Tổng cục Chính trị), Tạp chí Văn Hiến Việt Nam tại miền Trung, Đài PTTH Đà Nẵng và họa sĩ Đinh Gia Thắng tổ chức Chương trình tưởng nhớ mẹ Thứ.

Trong chương trình này, hơn 100 văn nghệ sĩ, nhà báo tham dự đọc thơ, trình bày những ca khúc về “mẹ ngàn đời” nhằm tôn vinh mẹ Thứ, tôn vinh những bà mẹ VNAH đã có con ngã xuống cho nền độc lập dân tộc. Cũng trong chương trình này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu với khán giả về “hành trình” sáng tác những bức chân dung nổi tiếng về mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

Ng.Khôi

Tin cùng chuyên mục