Dẫu đâu đó có biến tướng nhưng Tết Nguyên đán vẫn rất thiêng liêng

Câu chuyện về tết nhạt luôn là đề tài được đưa ra thảo luận trong vài năm gần đây. Thậm chí có người còn đưa ra ý tưởng về việc nên bỏ tết truyền thống mà chỉ hưởng tết dương lịch. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trao đổi với SGGP xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp tết đến thì câu chuyện về bỏ Tết Nguyên đán mà chỉ đón tết dương lịch lại được đưa ra bàn thảo. Quan điểm của ông như thế nào về chuyện này dưới góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa?

>> TS BÙI HOÀI SƠN: Mỗi người có quyền đưa ra quan điểm của riêng mình về tết. Riêng đối với cá nhân tôi, quan điểm nhất quán của tôi là phải giữ gìn phong tục tập quán tết của dân tộc. Tôi đồng ý rằng, văn hóa luôn biến đổi và phải phù hợp với bối cảnh xã hội. Bối cảnh xã hội của nước ta bây giờ đã có nhiều thay đổi, vì vậy tết cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, tết có thể thay đổi ở những hình thức bên ngoài, ở những hoạt động cụ thể như đi du lịch tết, bớt ăn, tăng chơi… nhưng tinh thần cơ bản của tết thì không thay đổi: đó là truyền thống báo hiếu cha mẹ, thầy cô, những người đã giúp đỡ mình trong năm vừa qua, cố kết cộng đồng, tôn vinh quá khứ, hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc hòa mình trong tiết trời thay đổi. Những giá trị đó được đúc kết qua hàng ngàn năm, được gìn giữ qua nhiều thế hệ, vì vậy trách nhiệm của ngành văn hóa là phải bảo tồn và phát huy những giá trị thiêng liêng đó.

- Không chỉ vì tết nhạt mà thực tế nhiều phong tục ngày tết bị ảnh hưởng, biến tướng, rời xa ý nghĩa ban đầu như tục biếu quà, tục mừng tuổi..., chúng ta nên nhìn nhận việc này như thế nào?

Đúng là có những biến tướng trong các phong tục ngày tết, nhưng tôi cho rằng đây không phải là bản chất của tết và cũng không vì những biến tướng đó mà chúng ta bỏ đi phong tục tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà một số giá trị ngoài văn hóa đang chi phối giá trị văn hóa. Kinh tế là một ví dụ. Khi chúng ta đề cao giá trị của đồng tiền một cách thái quá thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta lấy đồng tiền làm thước đo cho các giá trị khác. Nếu như mừng tuổi trước kia chỉ dành cho một số đối tượng nhất định và mang tính chất tượng trưng thì nay, trong một số trường hợp trở thành phương tiện để biếu xén, tham nhũng. Tôi cho rằng, không phải tất cả các phong tục, tập quán liên quan đến tết đều còn phù hợp. Nhưng đúng như Bác Hồ đã nói: “Cái gì tốt thì gìn giữ, cái gì xấu thì bỏ, cái gì chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp”, chúng ta cần nhìn nhận vào những giá trị đích thực của các phong tục, tập quán trong ngày tết để tìm ra sự phù hợp với cuộc sống đương đại, từ đó có cách thức chọn lọc, phát huy những giá trị của tết. Không phải vì biến tướng mà loại bỏ ra khỏi cuộc sống nhưng cũng không phải cứ là phong tục, tập quán thì nhất thiết phải giữ giống hệt như truyền thống.

- Biếu quà cha mẹ, người thân là một hành vi đẹp thể hiện sự hiếu lễ vốn có của người Việt Nam. Nhưng giờ đến tết nhiều người phải săn tìm đồ ngon, vật lạ để biếu cho ấn tượng… Biếu quà đã bị lạm dụng mang nhiều màu sắc vụ lợi, khiến việc này trở nên xấu xí là có thật, điều này khiến các cơ quan quản lý phải ra văn bản nói rõ việc không được biếu quà trong dịp tết. Ta cần phải hiểu việc này như thế nào? Phải chăng là bây giờ giá trị tình cảm, giá trị tinh thần thiêng liêng đã bị lấn át bởi giá trị vật chất?

Biếu quà là một hành vi đẹp, thể hiện đạo lý của con người. Biếu quà không chỉ riêng có ở người Việt Nam mà là một hành vi mang tính phổ quát toàn nhân loại. Vấn đề khác nhau ở hình thức và mục đích biếu quà mà thôi. Với nhiều quốc gia, biếu quà không chỉ là một hành vi nhằm tạo dựng mối quan hệ xã hội mà còn là một hành vi mang tính đạo lý. Việc nhận và tặng quà có những quy định rất rõ ràng đối với những vị trí lãnh đạo nhất định. Ở nước ta, trong những năm gần đây, việc biếu quà đôi khi bị biến tướng bởi nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất xuất phát từ mục đích vụ lợi của cả người nhận và tặng quà. Nếu như xã hội chuộng những giá trị vật chất, việc tặng quà độc, đặc biệt, giá cao, từ những việc làm nhỏ lẻ trong một số trường hợp gần như trở thành phong trào. 

- Không chỉ quà biếu mà những tiệc tất niên bia rượu rót tràn ly chính là nguyên nhân dẫn đến bao tai nạn thương tâm trong những ngày cuối năm. Vừa qua trong cuộc họp với Bộ VHTT-DL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói về việc cần hành động để thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ “nạn” liên hoan ở khắp nơi, gây tốn kém lãng phí và làm khổ không ít gia đình. Bộ VHTT-DL sẽ bắt đầu việc đó như thế nào? 

Tình trạng liên hoan, hay nói một cách dân dã là “khao” đang diễn ra ở khắp mọi nơi và càng ngày càng có biểu hiện nặng nề. Đáng lẽ, “khao” chỉ là việc của những gia đình có điều kiện, cho những việc đáng ăn mừng nhưng giờ đây, “khao” trở thành một việc làm tràn lan, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nhiều gia đình không có điều kiện, nhưng vì giữ thể diện nên vẫn phải làm theo “phong trào” ở địa phương. Sau nhiều bữa “khao”, nhiều gia đình rơi vào kiệt quệ thêm. Những người được “khao” nhiều khi cũng chẳng vui vẻ gì vì có khi việc “khao” chỉ là lý do để hướng tới mục đích khác, và những người được “khao”, dù ở bất cứ vai gì, cũng khó có thể đi tay không đến dự tiệc được. Tình trạng này chắc chắn phải được khắc phục để tránh biến thành tệ nạn trong xã hội.

Để làm được điều đó, Bộ VHTT-DL sẽ bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức của người dân về việc liên hoan trong gia đình và cộng đồng. Các cơ quan truyền thông đóng vai trò tích cực trong việc truyền đi thông điệp để chấn chỉnh tình trạng liên hoan tràn lan như hiện nay. Lồng ghép các nội dung về không tổ chức liên hoan linh đình, gây tốn kém trong gia đình và cộng đồng trong các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa cũng được xem là giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chúng tôi tin rằng, từ những giải pháp trên, người dân sẽ có những nhận thức và ứng xử phù hợp với điều kiện của bản thân và bối cảnh của xã hội.

- Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục