(SGGPO).- “Chính phủ bất cứ nước nào cũng đều là “người giàu nhất” ở quốc gia đó, sở hữu những khối tài sản khổng lồ, cả loại mang tính thương mại và loại phi thương mại. Vấn đề là khối tài sản đó thường được quản lý kém hiệu quả hơn so với khối tư nhân” – TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã “mở đề” như vậy tại buổi đối thoại chính sách về khó khăn thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước do CIEM tổ chức sáng 27-5 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước là câu chuyện đã được bàn từ hàng chục năm trước, ở nhiều cấp từ Đảng cho đến chính quyền… “Thực tiễn đều chứng minh là để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước. Nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách, ở Việt Nam thì có thể mất đến vài chục năm”, ông Cung bình luận.
Theo số liệu từ CIEM, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Tính riêng số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã hơn 3 triệu tỷ đồng và nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408,4 nghìn tỷ đồng (trên 5,4 triệu tỷ đồng). Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa tốt và không rõ trách nhiệm, thậm chí còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
“Chỉ cần tăng được 1% hệ số ROA (tỷ số thu nhập ròng/ tổng tài sản) thì Việt Nam sẽ có thêm 2,6 tỷ USD, bằng hơn 1 điểm % GDP. Điều này có nghĩa là nếu cải thiện được 1% ROA của khối doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có thể đạt tăng trưởng tới 7,8%/ năm”, TS Cung giải thích.
Được giao dự thảo Nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo CIEM cho biết, hướng xây dựng là mỗi doanh nghiệp nhà nước chỉ có một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cơ quan nhà nước khác thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn. Các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn sẽ được chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách. Các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh khác chuyển về SCIC. Doanh nghiệp Nhà nước địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay. Các ngân hàng thương mại vẫn do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước, để đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, bàn luận về vấn đề này, nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan dự kiến thành lập với SCIC. Chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu hàng loạt câu hỏi: “Sau khi có cơ quan này – như CIEM dự kiến là trực thuộc Chính phủ, thì lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện nay sẽ thế nào? SCIC sẽ làm gì và vai trò các địa phương ra sao? Nếu các doanh nghiệp quốc phòng an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản thì có cơ chế nào giám sát để tránh tiêu cực, dảm bảo công bằng hay không”?
ANH PHƯƠNG