Ảnh hưởng của dịch Covid-19 với phòng vé Việt cũng như với phim Việt, là điều rõ ràng. Theo thống kê, doanh thu phòng vé hiện chỉ bằng 25%-30% so với cùng kỳ năm 2019. Từ sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát, các rạp chiếu phim phải đóng cửa gần 2 tháng, doanh thu và số vé bán ra của phim Việt chỉ còn 7,9% và 9,1% so với tổng doanh thu và số vé bán ra của cả thị trường phim ảnh, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 50% thời điểm 2,5 tháng đầu năm 2020.
Trong khoảng 6 tháng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phòng vé Việt chỉ có 3 điểm sáng: Train to Busan 2 - Bán đảo, TENET và mới nhất là Ròm. Bán đảo hiện là phim ngoại có doanh thu cao nhất năm 2020. Phim ra rạp cuối tháng 7, ngay trước thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát. Dù một số cụm rạp chiếu phim còn đóng cửa, phim vẫn tạo cơn sốt phòng vé trước khi cán mốc doanh thu 86 tỷ đồng. Trong khi đó, theo chuyên trang phòng vé Box Office Vietnam, TENET hiện có doanh thu hơn 32 tỷ đồng.
Doanh thu từ 3 bộ phim đình đám nói trên đang phản ánh thực tế đa chiều của phòng vé Việt. Một chuyên gia trong ngành nhận định: Khái niệm “bom tấn” gần đây cũng phải được đánh giá lại, ví dụ như so sánh giữa TENET và Bán đảo. Mọi người có sự ngộ nhận giữa cái thích của người trong ngành và khán giả phổ thông. Đối sánh 2 bom tấn nước ngoài nói trên, trong khi TENET được hầu hết chuyên trang điện ảnh uy tín trên thế giới (như IMDb, Rotten Tomatoes, Metacritic, CinemaScore) cho thang điểm khá cao, từ 7-8/10 thì Bán đảo có phần khiêm tốn hơn với 5-6/10. Nhưng khi về Việt Nam, Bán đảo đã có doanh thu phòng vé gấp hơn 2,5 lần so với TENET. Có thể khẳng định, phim hay chưa chắc có doanh thu cao nhất và ngược lại, phim có doanh thu cao chưa hẳn là phim hay nhất.
Riêng với trường hợp của Ròm, doanh thu ấn tượng nói trên và vẫn đang trên đà tăng trưởng, không thể phủ nhận yếu tố may mắn. Tại họp báo “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19”, 4 nhà phát hành lớn (gồm CJ CGV, Lotte Cinema, Galaxy và BHD) đã “đặt cược” cho Ròm với hy vọng kích cầu cho phim Việt nói riêng và thị trường phòng vé nói chung.
Ròm được đặt lên vai trách nhiệm nặng nề nhưng cũng được trao cơ hội tuyệt vời. Đó là sự đồng thuận cao nhất của các nhà phát hành mà trong quá khứ, từng “đấu tố” nhau. Nhiều cụm rạp dành hơn 20 suất chiếu mỗi ngày cho Ròm, ở tất cả khung giờ đẹp nhất. Và dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận nỗ lực làm một bộ phim chỉn chu của đạo diễn Trần Thanh Huy cùng ê kíp. Ròm đã tạo một lực đẩy cần thiết không chỉ cho phim Việt mà cho cả phòng vé Việt để các nhà sản xuất trong nước tự tin đưa phim sớm trở lại rạp chiếu như mong mỏi của hầu hết nhà phát hành. Minh chứng là Tiệc trăng máu đã chấp nhận lời “thách đố” của Ròm khi quyết định ra rạp từ ngày 23-10. Ngay sau đó, các phim Thang máy, Sài Gòn trong cơn mưa, Chồng người ta… cũng vừa công bố ngày ra rạp.
“Thời điểm vàng” cho phim Việt hậu Covid-19 đã đến. Điều còn lại duy nhất mà các nhà phát hành lẫn khán giả chờ đợi, là những bộ phim chất lượng. Có thể, các phim Việt ra mắt tiếp sau đây không thể may mắn như Ròm. Một bộ phim được làm nghiêm túc, tâm huyết ở tất cả các khâu là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ để phim có thể tạo doanh thu phòng vé bùng nổ chính là đánh trúng thị hiếu thưởng thức của khán giả. Trong mọi trường hợp, quyền lực của khán giả luôn tối thượng. Mọi chiêu trò PR nhằm nâng phim này, dìm phim kia sẽ không có tác dụng nếu phim đó không đủ chất lượng để lôi kéo khán giả đến rạp.
Sẽ chẳng có một công thức thành công chung cho bất kỳ bộ phim nào, ngay cả với bom tấn của Hollywood. Thành - bại về mặt doanh thu luôn là ranh giới đầy mong manh. Nhưng khi thị trường đã có dấu hiệu hồi sinh và sự cạnh tranh đang dần được hâm nóng, đó chắc chắn là tín hiệu tích cực. Khán giả không quay lưng với rạp chiếu phim, nhất là với phim Việt, như nhiều ngộ nhận, điều đó đã được chứng minh cụ thể. Phần còn lại, phụ thuộc vào chính những tác phẩm sớm ra mắt trên. Thiên thời, địa lợi đã có nhưng để những “hạt mầm” ấy nảy nở, đơm hoa, kết trái hay không vẫn còn chờ… nhân hòa.