
Trong thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường bộ liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Bức xúc trước thảm họa TNGT ngày càng gia tăng, nhiều bạn đọc đã gởi thư bày tỏ nỗi niềm và hiến kế nhằm giảm thiểu nỗi đau chung này. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến sau.

Một xe tải phóng nhanh, không làm chủ tốc độ đã rơi xuống mương thoát nước (ảnh chụp trên xa lộ Hà Nội, quận 9, TPHCM). Ảnh: SONG PHA
Đất nước ta trải dài từ Bắc chí Nam với hàng ngàn km đường bộ mà dù đi bằng phương tiện nào, xe lửa, xe đò, xe gắn máy,… đều phải bám vào cái xương sống đường bộ hàng ngàn cây số này. Ngay cả hệ thống đường sắt, dù được làm riêng nhưng cũng gần như song hành với đường bộ, trải dọc chiều dài đất nước. Nếu đường bộ được xây dựng tốt, đây là một thuận lợi cho việc đi lại của người dân vì mang tính tập trung. Thế nhưng do điều kiện về lịch sử, kinh tế, đến nay chúng ta cũng chưa có một hế thống đường bộ bảo đảm cho các phương tiện lưu thông: mạng lưới đường tránh cho xe 4 bánh, khu vực nghỉ ngơi cho các bác tài và cho cả hành khách trên quốc lộ (rest area), hệ thống biển báo trên đường, hệ thống rào chắn đường ngang dân sinh băng qua đường ray xe lửa, dải phân cách…
Trên quốc lộ, xe chạy qua hàng trăm cây số nhưng rất ít thấy những biển báo mang tính chỉ dẫn. Phần lớn các tài xế chạy nhanh do quen đường, còn những người mới chạy lần đầu, khó mà biết sắp tới là đoạn đường nào, chất lượng ra sao. TNGT trên các cung đường liên tục xảy ra một cách nghiêm trọng đã làm cho mọi người không còn một chút yên tâm khi đi ra đường. Nhưng cuộc sống lại bắt buộc con người luôn chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác. Người dân không thể chấp nhận cái cách sau khi tai nạn xảy ra nghiêm trọng, liên tục ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai thời gian qua, kết luận thanh tra lại cho rằng đường tốt, lỗi do tài xế chạy nhanh vượt ẩu.
Chúng tôi không hiểu nổi, vì sao trước những tai nạn như vậy, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ GTVT lắp đặt giải phân cách ở khu vực này (giải pháp ngăn chặn TNGT hiệu quả sau tai nạn ở Trảng Bom làm 7 học sinh chết vào năm 2005) nhưng Bộ vẫn im lặng. Điều đó cho thấy rằng, hiện nay việc quản lý những cung đường thuộc Bộ vẫn cần phải coi lại.
Nên chăng đường quốc lộ do Bộ quản lý chung nhưng đường ngang qua tỉnh nào cho phép tỉnh đó quản lý, tất nhiên kèm theo kinh phí duy tu, sửa chữa mà không phải kiến nghị, đề xuất mất thời gian mà chưa chắc đã có kết quả. TNGT làm nhiều người chết oan uổng mà theo sau đó là những hệ quả để lại cho gia đình, xã hội.
Đau lòng thay!
CẨM LÊ (phường An Phú, quận 2)
- Mở chiến dịch “lái xe an toàn” trên các tuyến đường
Mỗi buổi sáng, mở tờ báo ra đọc, người dân lại bàng hoàng, đau xót trước những thông tin về TNGT xảy ra như cơm bữa. Ngày 16-7, lại thêm một vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc xã Hưng Lộc huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, làm chết và bị thương gần 30 người. Lần này, nguyên nhân cũng do tài xế chạy ẩu, lấn trái đường.
Chỉ vì một giây bất cẩn, thiếu ý thức của tài xế, nhiều mạng người bị chết oan uổng hoặc mang thương tật suốt đời. Nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân xấu số không thể nào kể xiết. Vì đâu họ phải gánh chịu tổn thất đau thương này? Con số chỉ trong nửa năm 2007 có thêm 7.122 người chết vì TNGT là hồi chuông báo động khẩn cấp.
Không thể kêu gọi suông, không thể bàn thảo về giải pháp mãi, Bộ Giao thông-Vận tải và các địa phương, nơi xảy ra nhiều TNGT cần phải hành động một cách thiết thực. Việc đầu tiên cần phải làm ngay là phát động chiến dịch “Lái xe an toàn” trên khắp các tuyến đường bộ, đặc biệt là quốc lộ.
Từ địa phương đến các ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp vận tải chuyên về dịch vụ du lịch, xe khách,… phải tổ chức gấp những đợt tuyên truyền, kêu gọi tài xế phải có lương tâm, có ý thức, tuân thủ mọi quy định về an toàn giao thông và cam kết không phóng nhanh, vượt ẩu. Ở những “cung đường đen”, những đoạn đường có nguy cơ xảy ra TNGT cao, cần bổ sung thêm lực lượng thanh niên tình nguyện, cảnh sát giao thông túc trực kiểm tra và xử lý các loại xe vi phạm như phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải… Những nơi này nên tổ chức phát tờ bướm kêu gọi tài xế hưởng ứng chiến dịch lái xe an toàn và cảnh báo bằng hình ảnh về nguy cơ bị TNGT vì phóng nhanh, vượt ẩu…
NGUYỄN ANH VƯƠNG (quận Tân Phú)
Làm sao có được những chuyến đi an toàn?
Gia đình tôi thường trú ở TPHCM, nhưng do cuộc sống, vợ chồng tôi phải gởi con cho ông bà ngoại để về lại quê chồng ở Phú Yên làm ruộng rẫy, chăn nuôi. Vì vậy hàng tháng chúng tôi phải một vài lần về Sài Gòn thăm con. Vài năm gần đây, nghe thấy nhiều vụ TNGT xảy ra trên tuyến quốc lộ này, chúng tôi đã cẩn thận chọn đi trên những xe khách lớn, có tài, chuyến hẳn hoi để được an toàn. Song thực tế nhiều lần chúng tôi phải “lên ruột” khi chứng kiến cảnh các bác tài trở thành những “tay đua kiệt xuất” trên đường.
Có khi hai xe khách lớn chạy song song nhau, dàn hàng ngang trên quốc lộ với tốc độ thật lớn, thậm chí chèn ép nhau để vượt lên, bất kể những chiếc xe ngược chiều đang chạy tới. Có chuyến, nhiều hành khách lớn tuổi không chịu nỗi cảnh “rượt đuổi” của tài xế đã la lớn yêu cầu người lái giảm tốc độ hoặc ngừng lại cho họ xuống xe, chấp nhận đón xe khác đi tiếp, nhưng lơ, lái đều bất chấp!
Hai tháng qua, lại liên tục xảy ra những tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 1 với số thương vong lên đến hàng chục người, mà phần nhiều là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu. Tình hình này làm cho hành khách thường xuyên đi lại như chúng tôi rất lo lắng, hoang mang. Làm sao chúng tôi có được những chuyến đi an toàn? Làm sao chúng tôi biết được người lái xe nào, lơ xe nào cẩn thận để gởi gắm tính mạng mình và cả số phận của người thân? Xin các ngành chức năng có biện pháp kiên quyết để bảo vệ chúng tôi.
NGUYỄN THÁI NGỌC (Phường 1, quận Gò Vấp - TPHCM)