Trong khoản tiền trên, 50 triệu AUD (35,7 triệu USD) trong Chương trình cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả (EECP) sẽ cho phép các doanh nghiệp xin trợ cấp tới 25.000 AUD (17.861 USD) để nâng cấp trang thiết bị điện nhằm cải thiện việc quản lý năng lượng. 17 triệu AUD (12,14 triệu USD) còn lại sẽ được dùng để cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà thương mại và trường học.
Kế hoạch đầu tư trên cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Australia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu chi phí năng lượng và khí thải. Trước đó, chính phủ đã cam kết phân bổ 2 tỷ AUD (1,42 tỷ USD) cho một quỹ hành động trực tiếp nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, qua đó “bật đèn xanh” cho việc mở rộng kế hoạch thủy điện lớn nhất Australia. Ngoài ra, chính phủ cũng dành khoản đầu tư 86 triệu AUD (61,4 triệu USD) cho một dự án thủy điện mới ở Tasmania.
Bên cạnh đó, Chính phủ Australia còn cấp 22 triệu AUD (tương đương 15,6 triệu USD) cho các dự án môi trường cấp địa phương trên khắp nước. Ngoài việc khuyến khích người dân sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, Thủ tướng Morrison tuyên bố sẽ tiếp nhận các kiến nghị, hỗ trợ và khuyến khích các dự án bảo vệ môi trường của các địa phương, như trồng cây dọc các bờ sông và vùng đầm lầy, làm sạch cỏ dại tại các công viên, khu bảo tồn và khôi phục lại các đụn cát ven biển.
Ước tính, có tới 20 dự án của các câu lạc bộ địa phương, nhóm người bản xứ, trường học và tổ chức cộng đồng tại mỗi khu vực bầu cử sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ từ 2.500 AUD (1.774 USD) đến 20.000 AUD (14.196 USD). Mục tiêu của các dự án là bảo vệ các loài động vật bản địa, tăng thêm diện tích trồng cây tại các địa phương, dọn sạch chất thải và khôi phục lại môi trường tại các khu vực ven biển, kênh rạch và đầm lầy.
Sau hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trong thời gian gần đây ở Australia, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo rằng, Australia hiện là một trong những nền kinh tế phát triển phát thải nhiều khí carbon nhất. Quốc gia này sẽ không thể đạt mục tiêu về khí thải vào năm 2030 nếu không nỗ lực chuyển đổi sang mô hình carbon thấp. Australia đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các hiện tượng tự nhiên, như mực nước biển dâng cao, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng và hạn hán.
Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc đất nước lớn nhất khu vực Thái Bình Dương này cần đóng vai trò chủ động hơn nữa trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu và tìm giải pháp giảm thiểu sự mất đa dạng sinh học. OECD cũng lưu ý nhiệt độ trung bình tại Australia đã tăng lên 0,9°C trong vòng 60 năm qua.
Theo cam kết của Chính phủ Australia, nước này sẽ cắt giảm 26% - 28% lượng khí thải của năm 2007 vào năm 2030. Với hàng loạt kế hoạch mới về môi trường và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, Chính phủ Australia cho thấy đang từng bước thực hiện cam kết của mình. Các kế hoạch trên còn phản ánh bước chuyển hướng quan trọng của liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền (LNP) khi tình trạng biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề then chốt trong cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia này vào tháng 5 tới.