Đầu tư cho văn hóa, hiệu quả sẽ lâu dài
- PHÓNG VIÊN: Được coi là một phần quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm” của dân tộc, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lại rất hạn chế. Bộ trưởng nhận xét như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN: Dịch bệnh Covid-19 một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của văn hóa để dân tộc vượt qua khó khăn, lan tỏa tình thương yêu, đoàn kết trong cộng đồng. Đó chính là những gì chúng ta cần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất khó đo đếm hiệu quả đầu tư. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư dài hạn, hiệu quả sẽ có ở tương lai, vì đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người. Hơn nữa, trong xu thế xác lập “sức mạnh mềm” cũng cho thấy, đầu tư cho văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Điển hình là sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo luôn nhanh hơn gấp 1,5 lần mức độ tăng trưởng GDP của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp giải trí của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... là những ngành mang lại thu nhập và công ăn việc làm nhiều nhất cho các quốc gia này.
- Ở nhiều địa phương, nếu tính thứ tự ưu tiên đầu tư thì văn hóa vẫn thường xếp phía dưới. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để tháo gỡ nút thắt này?
Đây từng là câu chuyện đã diễn ra trong tư duy về phát triển văn hóa. Chúng ta luôn phải xử lý công việc theo vị trí ưu tiên. Chính vì thế, trong những giai đoạn khó khăn, ưu tiêu giải quyết những vấn đề kinh tế là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Nhưng dù vậy, tôi vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không phải lúc nào và ở đâu, văn hóa cũng được đặt ở vị trí ưu tiên trong phát triển. Đầu tư cho văn hóa, ở nhiều nơi, vẫn được “cấp cuối cùng, cắt đầu tiên”. Do đó, nhiều công trình văn hóa không được đầu tư tương xứng, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật chất lượng thấp vì thiếu kinh phí... Để tháo gỡ nút thắt này, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về văn hóa, cần thay đổi quan điểm đầu tư cho văn hóa. Bên cạnh đó, những nhận thức mới trong phát triển đất nước như xây dựng chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp, xã hội số cũng cần được chuyển đổi vào tư duy quản lý văn hóa.
Quan tâm đội ngũ làm văn hóa
- Trên thực tế, ở nhiều địa phương nghèo vẫn đang diễn ra việc đầu tư lãng phí với những công trình tiền tỷ, gây bức xúc trong nhân dân. Theo Bộ trưởng, gốc rễ của vấn đề là chúng ta thiếu nguồn lực đầu tư hay đang thiếu năng lực quản lý?
Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy nhiều sai sót trong lĩnh vực văn hóa, nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng xử lý và đặc biệt là do hiện tượng quá tải của các cán bộ cơ sở khi phải xử lý công việc cả mảng văn hóa, cả những vấn đề xã hội khác. Để khắc phục tình trạng này, trong những năm gần đây, việc tuyển chọn cán bộ văn hóa cũng được coi là một khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa. Ngành văn hóa cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa các cấp. Cùng với đó, việc ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, làm cơ sở hướng dẫn cho hoạt động nghiệp vụ của cán bộ văn hóa cơ sở cũng phải được quan tâm.
Văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, cán bộ văn hóa cần phải có những năng lực và kiến thức đặc biệt, chính vì thế, tôi mong muốn các địa phương quan tâm hơn đến vấn đề này khi tuyển chọn cán bộ văn hóa - xã hội. Cán bộ được tuyển chọn và sử dụng có hiệu quả, phù hợp với chuyên môn chính là khâu then chốt để tạo ra đội ngũ có năng lực đối với hoạt động quản lý văn hóa. Các địa phương cần có kế hoạch sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch phát triển cho đội ngũ cán bộ văn hóa, để đội ngũ này thực hiện tốt vai trò của mình trong phát triển văn hóa địa phương.
- Từ những bất cập của hiện tại, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tăng cường nguồn lực cho văn hóa, thực hiện tốt Nghị quyết 33?
Theo tôi, trước hết cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước, trong đó có việc xây dựng con người Việt Nam giai đoạn mới. Tại Kết luận 76/KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, Bộ Chính trị xác định rõ: xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong đó, bên cạnh việc khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo, cần tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Các giải pháp cụ thể đã được đưa ra là: Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu chung về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, việc tăng cường nguồn lực cho văn hóa là cần thiết. Nguồn lực Nhà nước quan trọng nhưng có hạn, chính vì thế, xã hội hóa phải trở thành giải pháp thu hút nguồn lực toàn xã hội cho phát triển văn hóa. Thể chế hóa các chủ trương phải đi kèm với việc bố trí nguồn lực, đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát.