Đầu tư “con đường tơ lụa” quốc lộ 7

Tại Hội thảo “Tây Ninh - cửa ngõ phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào” vừa được UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất sự cần thiết của quốc lộ 7 (QL7) - Campuchia, hướng từ Nam cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh đến Bắc cửa khẩu Nong Nokkhien, tỉnh Champasak- Lào với tổng chiều dài khoảng 350km đi qua tỉnh Kampong Cham và hai thành phố Kratie, Stung Treng thuộc lãnh thổ Campuchia với vai trò là cầu nối giao thương huyết mạch cho cả ba nước.

Tại Hội thảo “Tây Ninh - cửa ngõ phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào” vừa được UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất sự cần thiết của quốc lộ 7 (QL7) - Campuchia, hướng từ Nam cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh đến Bắc cửa khẩu Nong Nokkhien, tỉnh Champasak- Lào với tổng chiều dài khoảng 350km đi qua tỉnh Kampong Cham và hai thành phố Kratie, Stung Treng thuộc lãnh thổ Campuchia với vai trò là cầu nối giao thương huyết mạch cho cả ba nước.

        Hạ tầng cứng “sợ”... hạ tầng mềm!

Theo PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, trong đợt đi khảo sát QL7 vừa qua, trên QL7 có khoảng 100km, đoạn từ thành phố Kratie đến thành phố Stung Treng rất xấu, hầu như bề mặt nhựa đường đều bị bong tróc sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên nếu bắt tay vào làm con đường sẽ khắc phục được ngay, bởi vì đây là một vấn đề thuộc đầu tư hạ tầng cứng. “Băn khoăn ở chỗ là hạ tầng mềm, nếu như chúng ta không xây dựng được một chính sách chung, nhất quán để áp dụng cho tất cả các cửa khẩu mỗi bên thì không thể nào nói đến thành công. Tại hội thảo này chúng ta cùng các bạn Campuchia, Lào phải làm cho rõ vấn đề này thì mới hướng đến sự đồng tâm hợp tác” - PGS-TS Xuân gợi mở.

Liên quan đến hạ tầng mềm, ông Trần Hữu Hậu, Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh, cho rằng chúng ta đã ký Bản ghi nhớ với Campuchia vào ngày 17-1-2013 về hợp tác trong lĩnh vực vận tải đường bộ nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện, điều này làm ảnh hưởng việc giao thương, ách tắc hàng hóa… Cần sớm đưa vào thực hiện và nên bổ sung các cửa khẩu như Xa Mát và Trapeang Phlong, tỉnh Kampong Cham vào Bản ghi nhớ chứ không chỉ riêng tại cửa khẩu Mộc Bài bởi vì hiện nay Tây Ninh chưa có doanh nghiệp vận tải chạy liên vận sang Campuchia. Hưởng ứng vấn đề này, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên xuất khẩu các trang thiết bị điện sang Campuchia nhưng đến cửa khẩu bạn đều phải dừng lại để trung chuyển rất mất thời gian, tốn thêm chi phí vì thuê cẩu sang xe.

        Cánh cửa đã mở

Theo đoàn liên kết khảo sát Việt Nam, Campuchia và Lào thực hiện trong tháng 11-2013, cửa khẩu Xa Mát sẽ là một trạm trung chuyển hàng hóa cực lớn trong tương lai. Bởi lẽ Xa Mát là đầu cầu phía Nam chạy thẳng theo hướng QL7 sẽ là nơi tập kết hàng hóa thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu… gồm các mặt hàng gia dụng (nhựa, nhôm, sắt, đồ điện, thiết bị cơ khí…); thức ăn gia súc, phân bón, vật tư nông nghiệp; thực phẩm chế biến và trái cây. Ngược lại, tại cửa khẩu Nong Nokkhien, tỉnh Champasak là đầu cầu phía Bắc QL7, sẽ kết nối với các tỉnh Nam Lào có thế mạnh về mặt nông lâm thủy sản như: rau, củ, quả, hoa; cà phê, cao su, chè, đậu, gạo; thủy sản nước ngọt rất cần cho các doanh nghiệp Việt Nam mạnh về chế biến xuất khẩu và làm thức ăn gia súc.

Nhu cầu có, thị trường có, vấn đề là chuẩn bị như thế nào để kết nối, khai thác nhanh các tiềm năng này. Theo các chuyên gia, trước mắt tập trung xây dựng hạ tầng ở các cửa khẩu dọc theo QL7 để đủ sức chứa hàng hóa như: kho ngoại quan, bãi kiểm hóa, bãi tập kết và trung chuyển. Bên cạnh đó, đầu tư trọng điểm các chợ đầu mối với quy mô lớn, mang tính bán buôn để thu hút lượng hàng hóa.

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2013 giữa Việt Nam và Lào ước đạt 1 tỷ USD; giữa Việt Nam và Campuchia ước đạt 3,5 tỷ USD. Theo Bộ Công thương, mục tiêu đến năm 2015 tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Lào lên 2 tỷ USD, với Campuchia lên 5 tỷ USD. Để đạt được điều này, các nước cần tích cực xúc tiến đầu tư đưa “con đường tơ lụa” về nông lâm thủy sản vào vận hành càng sớm càng tốt. Nếu chần chừ có thể đánh mất quyền lợi của nhân dân 3 nước.

TẤN HÀ - NGỌC QUÝ

Tin cùng chuyên mục