Đầu tư công ở TPHCM không vướng vì Luật!

Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 28-5, có hai vị ĐBQH TPHCM đã tranh luận thẳng thắn về những quy định trong dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. SGGP lược ghi các ý kiến đáng lưu ý này.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Thường trực HĐND không quyết định đầu tư"

Tôi xin có 2 nội dung mang tính chất vừa tranh luận, vừa cung cấp thông tin để quý vị đại biểu nghiên cứu và đưa ra những quyết định của mình cho phù hợp với thực tiễn.

Trước hết, về thẩm quyền giao cho Chính phủ hay Quốc hội để quyết định đầu tư. Vấn đề ở đây chúng ta cần mổ xẻ là đầu tư công chậm do vướng quy định pháp luật hay khâu tổ chức thực hiện của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Nếu do vướng quy định pháp luật thì chúng ta sửa quy định pháp luật là cần thiết; nhưng nếu quy định pháp luật phù hợp mà khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, tập trung, làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này chứ không sửa quy định pháp luật.

Thực tiễn đó tôi theo dõi tình hình và căn cứ vào tình hình thực tiễn của TPHCM thì vướng chủ yếu là khâu tổ chức thực hiện. Giải trình của Chính phủ có nói một ý là sợ mất thời gian của Quốc hội, tôi nghĩ đấy không phải vấn đề. Những vấn đề quan trọng của quốc gia cần bao nhiêu thời gian Quốc hội đều đảm đương được và đó là sự cần thiết.

Đầu tư công ở TPHCM không vướng vì Luật! ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội trường 
Thứ hai, thẩm quyền của Thường trực HĐND hay HĐND quyết định đầu tư. Từ thực tiễn của TPHCM, khi có Nghị định 136 của Chính phủ (Nghị định số 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công – PV), Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận rất kỹ nên áp dụng theo Nghị định hay áp dụng pháp luật. Sau khi tranh luận rất trách nhiệm, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Theo quy định của Luật, Thường trực HĐND không có thẩm quyền quyết định đầu tư. Đối với TPHCM, rất nhiều dự án đầu tư công mỗi năm, mỗi kỳ, nhưng từ khi thực hiện Luật Đầu tư công đến giờ không có vướng mắc trong thực tiễn, vậy tại sao phải sửa luật?

ĐB Trương Trọng Nghĩa: "Sửa luật, nếu luật sai, nhưng không thể sửa luật vì thực tiễn điều hành không theo kịp"

Thứ nhất, về một số sửa đổi và căn cứ vào thực tiễn điều hành, tôi cho rằng thực tiễn điều hành phải theo Luật, chứ Luật không theo thực tiễn điều hành. Vì khi làm một luật mới chúng ta đã căn cứ rất nhiều các loại thực tiễn, trong đó có cả thực tiễn điều hành. Pháp luật tức là sự tối ưu hóa của chuẩn mực hành động, khi đã ban hành thành Luật rồi, trong nhà nước pháp quyền thì nó là hành lang pháp lý và nó là khung khổ cho toàn bộ họat động của xã hội, mọi người phải tuân thủ. Nếu chưa làm được thì phải nỗ lực làm được và phải xử lý trách nhiệm. Chúng ta có thể sửa luật, nếu luật sai, nhưng không thể sửa luật vì thực tiễn điều hành không theo kịp. Như thế là làm ngược với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Đầu tư công ở TPHCM không vướng vì Luật! ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa
Tôi ủng hộ phương án Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng. Hiện tại càng có lý do để chúng ta làm điều đó, vì vấn đề kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách càng ngày càng quan trọng. Đã là tài sản công, ngân sách nhà nước thì ở nhiều quốc gia, vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu đô cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, bên cạnh những tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia hiện nay, có lẽ cần thêm tiêu chí “tác động đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Một điểm nữa, vấn đề đầu tư trung hạn, chúng tôi ủng hộ việc Quốc hội khóa nào quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn khóa đó, phù hợp với nhiệm kỳ của Đại hội Đảng cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục