Tính đến nay, doanh nghiệp Hàn Quốc - CGV vẫn là đơn vị dẫn đầu về số lượng cụm rạp hiện đại trên hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp Việt không ngại đầu tư phát triển mạng lưới cụm rạp của mình ra một số tỉnh, thành khác, ngoài TPHCM.
Chậm còn hơn không
Khi các rạp chiếu phim tại TPHCM do nhà nước quản lý ngày càng thu hẹp, chuyển đổi mục đích sử dụng, trở thành nhà hàng tiệc cưới, quán karaoke hoặc siêu thị… thì sự xuất hiện của các cụm rạp hiện đại do Megastar - một doanh nghiệp có 80 vốn đầu tư nước ngoài, đã khơi lại không khí đến rạp xem phim.
Năm 2011, khi Megastar chuyển nhượng cho tập đoàn CJ-CGV (Hàn Quốc), tốc độ phát triển các cụm rạp của CGV ngày càng nhiều và nhanh, trên khắp Việt Nam. Tính đến nay, CGV đã có 36 cụm rạp, cuối năm 2016 sẽ mở thêm 3 cụm rạp mới. Sang năm 2017, kế hoạch của CGV sẽ mở thêm 10 cụm rạp nữa. Bên cạnh CGV, “người đồng hương” Lotte Cinema cũng phát triển không hề kém cạnh. Đến thời điểm này, Lotte Cinema đã có 27 cụm rạp trên khắp đất nước Việt Nam và con số này sẽ tăng lên trong năm 2017.
Cụm rạp Galaxy Cinema mới được khai trương tại Hà Nội
Điện ảnh Việt khởi sắc, nhu cầu đến rạp xem phim của khán giả cũng ngày một tăng, doanh nghiệp Việt quyết không thể là kẻ ngoài cuộc, bỏ ngỏ địa bàn vốn đầy tiềm năng này. Khi nhà nước chưa có động thái cụ thể nào trong việc cải tạo, xây mới các cụm rạp thì hai doanh nghiệp tư nhân là Galaxy và BHD vào cuộc. Các cụm rạp hiện đại mang “mác” Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex lần lượt ra đời.
Theo sau Galaxy, BHD là Mega GS (của Công ty Sóng Vàng) - tọa lạc trên nền rạp Thăng Long cũ và Cinestar (một nhóm cổ đông trong đó có ông bầu Phước Sang) - được cải tạo từ rạp Quốc Thanh cũ. Tháng 7- 2016, Galaxy Cinema vừa khai trương cụm rạp hiện đại tại Hà Nội, nâng tổng số cụm rạp Galaxy lên 7 cụm rạp. Tháng 11-2016, BHD cũng khai trương cụm rạp hiện đại đầu tiên ở Hà Nội, nâng tổng số cụm rạp BHD lên 7 cụm rạp. Trong khi đó, cả Mega GS và Cinestar vẫn đang ấp ủ và chuẩn bị mở thêm một vài cụm rạp nữa.
Xét về độ “hoành tráng”, có thể các cụm rạp của doanh nghiệp Việt không bằng các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema do hạn chế về kinh phí, mặt bằng. Nhưng các rạp chiếu phim này đều đáp ứng được yêu cầu của một rạp chiếu phim hiện đại về máy móc thiết bị, âm thanh, ghế ngồi và màn hình. “Vì không có nguồn kinh phí dồi dào, nên chúng tôi không thể mở rạp chiếu phim ào ạt. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển hệ thống rạp của BHD nói riêng cũng như của các doanh nghiệp Việt nói chung đều đã được xây dựng rất cụ thể. Chúng tôi mong muốn phát triển ngày một nhiều hơn hệ thống rạp chiều phim không chỉ ở TPHCM, Hà Nội mà còn ra một số thành phố trên các vùng miền khác của Việt Nam. Chúng tôi muốn có thêm nhiều rạp để hỗ trợ được nhiều hơn cho các nhà sản xuất phim Việt”, đại diện BHD cho biết.
Quá trình phát triển rạp chiếu phim của các doanh nghiệp Việt không ồ ạt, rầm rộ, nhưng trên thực tế, những cụm rạp này đã hoạt động rất hiệu quả từ khi ra đời. Hầu hết các cụm rạp này đều có lượng khán giả ổn định, một vài cụm rạp còn tăng hàng năm và vì thế, những bộ phim do Galaxy, BHD, Mega GS sản xuất có “tuổi thọ” ngoài rạp cao hơn trước kia - lúc còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào mạng lưới rạp của CGV và Lotte Cinema! “Không thể không xây rạp, nhất là với những doanh nghiệp đồng thời là nhà sản xuất phim. Có thể chậm về tiến độ, nhưng vẫn tốt hơn là không làm”, bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, khẳng định.
Đầu tư xây rạp
Theo ông Nguyễn Anh Quảng, Giám đốc Công ty cổ phần Điện ảnh EVC, một trong những đơn vị chuyên cung cấp hệ thống máy chiếu kỹ thuật số (2D, 3D) và thiết bị âm thanh cho hầu hết các cụm rạp tại Việt Nam, như: CGV, Lotte Cinema, BHD, Mega GS, Cinestar... cho biết: “Giá thành một cụm rạp (6 phòng chiếu) dao động từ 50 - 80 tỷ đồng”. Nếu so với sức mạnh về vốn và sự phát triển cụm rạp một cách nhanh chóng của cả một tập đoàn như CJ-CGV hay Lotte Cinema, thì các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng theo kịp, nên cũng không thể cấp tập mở thêm rạp mới. Thêm vào đó là chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong khi đoanh nghiệp Việt kinh doanh văn hóa phải chịu mức thuế 20% - 25% doanh thu.
Dù gặp muôn vàn khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn chấp nhận dấn thân bởi điện ảnh, rạp chiếu gần như là nghiệp, là lòng tự tôn dân tộc và sự khẳng định chủ quyền trên chính lãnh thổ của mình. “Dù biết rất khó khăn, nhưng chúng tôi không thể chết trên sân nhà được”, một chủ doanh nghiệp ngậm ngùi nói. Ông bầu Phước Sang cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, giúp đỡ doanh nghiệp Việt trong đầu tư xây dựng rạp, có như thế chúng ta mới đứng được và khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực này. Hiện chúng tôi vẫn phải chịu kiểu cạnh tranh “mạnh được yếu thua”, chỉ vì mình ít vốn, ít rạp”.
Nếu nhà nước có chiến lược “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020” thì Galaxy, BHD, Mega GS, Cinestar... cũng đã có có kế hoạch phát triển rạp cho riêng mình. Theo đó, Galaxy dự kiến đến năm 2019-2020 sẽ có 4 - 5 cụm rạp mới mỗi năm trên toàn Việt Nam. BHD sau khi khai trương cụm rạp tại Hà Nội vào ngày 2-11 này, sẽ tiếp tục mở các cụm rạp ở một số tỉnh, thành khác, mỗi năm ít nhất 1 cụm rạp. Mega GS và Cinestar có chiến lược cải tạo tất cả các rạp chiếu tại TPHCM cũng như các tỉnh, thành, trở thành những cụm rạp hiện đại.
“Có đi ắt sẽ đến” - đó là phương châm hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim. Ngày nay, các cụm rạp Galaxy, BHD, Mega GS... đã trở thành những địa chỉ quen thuộc, được yêu thích của khán giả mê điện ảnh nói chung và phim Việt nói riêng. Xét một cách nào đó, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả trong xây dựng và phát triển cụm rạp của các doanh nghiệp Việt. Vấn đề còn lại là đường dài và sự quan tâm hỗ trợ từ phía nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.
|
NHƯ HOA