
Để vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp ngành nhựa cần đầu tư đón đầu các sản phẩm mang tính hội nhập cao, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sản xuất thùng nhựa tại Công ty Tiến Lộc. Ảnh: CAO THĂNG
Lệ thuộc nhập khẩu
Trên thực tế, thời gian qua ngành nhựa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, mẫu mã chủng loại của ngành nhựa trong nước sản xuất còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước. Chất lượng một số sản phẩm về nhựa của Việt Nam cũng chưa rõ ràng và đảm bảo nên người tiêu dùng chưa thật sự tin và sử dụng các sản phẩm nhựa do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Trong đợt làm việc của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân mới đây, Hội Cao su - nhựa TPHCM, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tich Hội thông tin: Hiện cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, trong đó hơn 80% tập trung chủ yếu ở TPHCM. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất với quy mô gia đình nên năng lực cạnh tranh thấp. Chưa kể, hầu hết nguyên lệu cũng như máy móc trong ngành nhựa đều phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Công thương cũng nhận định, hơn 90% doanh nghiệp nhựa của Việt Nam là xưởng gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được thương hiệu cũng như sản phẩm. Đặc biệt, do ngành nhựa chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên giá cả bấp bênh không ổn định. Dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng ngành nhựa trong nước chủ yếu được biết đến như một ngành gia công chất dẻo, giá trị gia tăng thấp.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm ngành nhựa cần 2,2 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất nhưng trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 450.000 tấn, tương đương với 20% nhu cầu, còn lại 80% nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ảrập… Điều này dẫn đến việc không những giá thành sản phẩm kém cạnh tranh, ngành nhựa còn đối mặt với thực trạng nhập siêu nguyên liệu, hàm lượng giá trị gia tăng thực thu ở mức gần như không đáng kể. Việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất và thiếu công nghiệp hỗ trợ, đã gây trở ngại cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa trong nước. Chính vì thế, quy hoạch ngành đã đặt ra mục tiêu trong thời gian tới ngành nhựa sẽ đầu tư để chủ động một phần nguyên liệu sản xuất trong nước. Cụ thể, vào năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa sẽ đạt 7 tỷ USD và từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu.
Chuyển dịch cơ cấu hợp lý
|
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, để ngành nhựa trở thành ngành mũi nhọn, cần phải tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, đặc biệt chú trọng sản xuất các loại nguyên liệu trong nước có nhu cầu lớn và có lợi thế. Đẩy mạnh đầu tư vào các dự án sản xuất khuôn mẫu, trục in, thiết bị, phụ tùng có nhu cầu cao, chất lượng tốt, phục vụ cho việc sản xuất hàng nhựa cao cấp và các sản phẩm nhựa xuất khẩu.
Đối với việc đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, cần chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư sản phẩm; tập trung vào các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật và vật liệu xây dựng, vì đây là những sản phẩm có nhu cầu rất lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, triển khai thực nghiệm gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất. Đây là yêu cầu thực tế để đáp ứng mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của sự phát triển của các doanh nghiệp ngành nhựa. Ngoài ra, để phát triển bền vững, cần phải sớm tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp thu gom, phân loại phế thải nhựa, xử lý để tái sử dụng, hình thành hệ thống doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhựa tái sinh và sử dụng nhựa tái sinh, góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá đầu vào.
Theo Chủ tịch Ủy ban phát triển bền vững (SDC) Ahmad Khairuddin, từ khi gia nhập AFPT, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế nổi lên trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ngành nhựa là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, do một số biến động kinh tế thế giới gần đây, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nhựa giảm mạnh… đang là thách thức cho ngành nhựa. Do đó, để vượt qua được những khó khăn này, các thành viên của AFPT cần phát huy hết năng lực của mình, đồng thời nâng cao năng suất, duy trì khả năng cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp ngành nhựa cần nhận thức đầy đủ cơ hội cũng như thách thức khi hội nhập sâu vào sân chơi toàn cầu nhằm đón đầu các sản phẩm mang tính hội nhập cao, đảm bảo khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
LẠC PHONG