Dự báo một đàng, thực tế một nẻo
Mới đây, Sở QH-KT TPHCM cung cấp một góc nhìn tương đối hoàn chỉnh về phát triển đô thị của TP. Dựa trên vệ tinh năm 2010 và 2018, nhìn những bức ảnh chụp từ không trung cho thấy, quy hoạch và đầu tư của TP một đàng nhưng thực tế lại đi một nẻo.
Theo quy hoạch chung, TPHCM định hướng phát triển “tập trung - đa cực”, nhưng thực tế việc phát triển đô thị đi theo “vết dầu loang”. Các khu vực xây dựng mới đa phần lân cận khu nội thành hiện hữu, như: quận 8, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân.
Mặt khác, theo quy hoạch chung, hướng phát triển chính là Đông và Nam, nhưng thực tế các quận phía Đông tăng dân số khá chậm. Tỷ lệ tăng dân số giữa năm 2010 và 2017 của quận 2, quận 9, Thủ Đức chỉ lần lượt là 15%, 18%, 19%. Đây là các quận được chính quyền TP tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tiêu biểu như tuyến metro số 1, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bến xe miền Đông mới…
Ngược lại, các quận huyện phía Tây và Tây Bắc lại tăng dân số rất nhanh, quận 12 tăng 29%, Bình Tân tăng 23%, huyện Bình Chánh tăng 46%, huyện Hóc Môn tăng 24%. Đây là các quận huyện mà người dân có xu hướng chọn làm nơi ở khi nhập cư vào TPHCM. Do không thuộc hướng phát triển chính của TP, nên các địa phương này không được đầu tư nhiều để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điều này đồng nghĩa với sự thiếu thốn dịch vụ cho người dân. Trong khi đó, khu vực được đầu tư bài bản thì lại ít người đến sinh sống, gây nên lãng phí nguồn lực đầu tư.
Việc tăng dân số không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều khu vực dân cư phát triển tự phát như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9…
Phải theo thị trường
Huyện Bình Chánh là địa phương lãnh hậu quả nặng nề về việc quy hoạch không theo thị trường. Lãnh đạo huyện trăn trở rất nhiều trước áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh, nhưng quy hoạch không theo kịp, dẫn đến huyện bị “vỡ trận”. Dễ nhìn thấy nhất là bộ máy công quyền chỉ “cấp xã”, nhưng dân số tăng “cấp quận”, dẫn đến nhiều vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát như việc xây dựng không phép, sai phép gia tăng, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật...
Do đó, “lên đời” thành quận, là kiến nghị thường xuyên của lãnh đạo huyện Bình Chánh đối với các lãnh đạo cấp cao. “Khi thành quận, bộ máy sẽ bổ sung tương xứng so với số dân thực tế; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội cũng nhiều hơn. Từ đó, đời sống dân cư được tốt, việc quản lý theo kỷ cương phép nước chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chia sẻ.
Theo Sở QH-KT TPHCM, đối với khu dân cư phát triển tự phát, cần có chính sách nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người dân tại đó. Điều này đòi hỏi không chỉ nguồn lực đầu tư mà còn cần các cơ chế chính sách. Đặc biệt, TP phải giữ gìn quỹ đất cho các khu vực phát triển khu dân cư mới. Bởi lẽ, những năm qua tình trạng phân lô bán nền diễn ra tràn lan.
Việc phân lô, bán nền có thể giải quyết nhu cầu nhà ở ngắn hạn của một bộ phận dân cư, nhưng hiệu quả sử dụng đất không cao và về lâu dài sẽ góp phần làm thiếu hụt quỹ đất lớn để phát triển các dự án nhà ở. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ nhà đất hiện nay cũng tạo ra sự lãng phí quỹ đất khi nhiều khu vực sau khi phân lô không có cư dân đến ở. Ngoài ra, TP cần định hướng phân bố dân cư phù hợp với thực tế. Việc xác định vị trí và quy mô phân bố dân cư cần có căn cứ khoa học dựa trên nhu cầu định cư của người dân và các yếu tố kinh tế - xã hội - thị trường.
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright, phân tích việc hình thành đô thị là do các lực thị trường quyết định, còn vai trò của nhà nước rất nhỏ thông qua việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng, có một số công cụ về quy hoạch sử dụng đất, công cụ về thuế khóa và trợ cấp. Trong thời gian tới, để giải quyết bài toán đô thị, TPHCM phải xây dựng cho được hệ thống giao thông công cộng. Nói chung, chính sách nên đơn giản và để thị trường quyết định, nhà nước có những biện pháp nắn dòng để tạo ra đô thị như mong muốn.