Năng lượng thủy triều được tạo ra theo 3 cách phổ biến. Đầu tiên là sử dụng đập thủy triều tạo thành một vùng lưu vực thủy triều. Các cửa cống trên đập kiểm soát mực nước và tốc độ dòng chảy, cho phép khu vực này lấp đầy khi thủy triều lên và đổ vào hệ thống turbin điện để sản xuất năng lượng.
Thứ hai là turbin thủy triều, sử dụng các cánh quạt để quay một rotor cung cấp năng lượng cho máy phát điện. Chúng có thể được lắp đặt dưới đáy biển trong vùng nước thủy triều mạnh. Thứ ba là hàng rào thủy triều, sử dụng các turbin trục đứng gắn trên hàng rào hoặc dưới đáy biển để nước đi qua turbin và tạo ra điện.
Nhận thức về tiềm năng phát triển điện thủy triều, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố, cung cấp 35 triệu USD để phát triển các hệ thống năng lượng thủy triều và sông ngòi theo Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng. Khoản tài trợ sẽ được chi vào năm 2023, trở thành khoản đầu tư lớn nhất cho công nghệ năng lượng thủy triều và sông ngòi tại Mỹ. Bộ này cho rằng, thủy triều và dòng chảy của sông ngòi sẽ cung cấp nguồn năng lượng xanh dồi dào cho đất nước.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thúc đẩy các dự án điện thủy triều riêng. Theo Ocean Energy Europe, vào năm 2021, châu Âu đã lắp đặt được 2MW công suất dòng thủy triều, tăng mạnh với 260kW vào năm 2020. Nguồn năng lượng sóng được lắp đặt là 681kW, đánh dấu mức tăng gấp 3 lần. Đây là một đóng góp đáng kể vào 1,38MW năng lượng sóng và 3,12MW công suất dòng thủy triều được lắp đặt trên toàn thế giới. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với các dạng năng lượng tái tạo khác, với việc châu Âu lắp đặt 17,5GW năng lượng gió và 25,9GW công suất điện mặt trời mới vào năm 2021.
Từ tháng 10-2022, châu Âu đã công bố tài trợ 19,3 triệu USD cho các dự án năng lượng sóng quy mô lớn. Nhóm WEDUSEA gồm 14 đối tác trong giới nghiên cứu và công nghiệp, được tài trợ bởi Innovate UK và Horizon Europe, sẽ dẫn đầu dự án này trong vòng 4 năm. Ở giai đoạn này, WEDUSEA sẽ tập trung vào thiết kế thiết bị OE35 công suất 1MW. Đây là thiết bị do OceanEnergy phát triển và được cho là thiết bị năng lượng sóng nổi có công suất lớn nhất thế giới.
Khó khăn hiện nay đó là năng lượng thủy triều là một ngành công nghiệp vẫn còn hạn chế bởi một số rào cản đáng kể, trong đó chi phí là thách thức lớn nhất. Việc phát triển các thiết bị thủy triều và kết nối chúng với lưới điện đòi hỏi công việc chế tạo và kỹ thuật khá tốn kém. Mặc dù có rất nhiều công nghệ thủy triều đang được thử nghiệm có thể cải thiện chi phí, nhưng chưa có công nghệ nào nổi lên như một công ty dẫn đầu thị trường có thể giúp thiết lập chuỗi cung ứng và bắt đầu giảm chi phí lắp đặt và bảo trì.
Do đó, nguồn tài chính lớn được rót vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng thủy triều và sông ngòi sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo này được mở rộng ở cả Mỹ và châu Âu.