Đặc biệt, việc Sở GD-ĐT TP giao quyền cho các trường chủ động tổ chức, quyết định thời gian, hình thức và nội dung kiểm tra học kỳ 2 giúp thầy và trò linh động hơn trong quá trình dạy học, đồng thời giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Tập trung kiến thức trọng tâm của học kỳ 2
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, thầy Lê Cảnh Thạnh, giáo viên môn Địa lý khối 6 và 9, Trường THCS Võ Văn Tần (quận Tân Bình), cho biết tổ bộ môn đã dành 2 tuần lễ đầu tiên sau khi học sinh quay trở lại trường học để tổ chức ôn tập và hệ thống kiến thức cho các em.
Từ đầu tuần này trở đi, giáo viên sẽ tổ chức song song 2 hình thức hướng dẫn học trên lớp và giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh. Đơn cử, với môn Địa lý khối 9, chương trình học kỳ 2 được tổ chức lại, gom thành 3 chủ đề lớn là vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và bảo vệ môi trường biển đảo.
Khi lên lớp, giáo viên triển khai 2 nội dung lớn là lý thuyết và rèn kỹ năng đọc bản đồ, biểu đồ cho học sinh. Giáo viên này dùng phương pháp sơ đồ tư duy giúp học sinh hệ thống kiến thức trọng tâm theo từng chủ đề riêng như đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội. Cuối mỗi tiết học, giáo viên sẽ có câu hỏi mở rộng, khuyến khích học sinh tự tìm hiểu và bổ sung thêm kiến thức tại nhà.
Đơn cử, chương trình Anh văn khối 9 có 2 bài giảng cùng nội dung về đại từ quan hệ. Khi lên lớp, giáo viên sẽ gom 2 bài này lại, triển khai chung trong cùng một chủ điểm về ngữ pháp, vừa tiết kiệm thời gian lên lớp vừa giúp học sinh hệ thống kiến thức môn học. Những phần nội dung nào học sinh còn bị “hổng kiến thức” sẽ được phụ đạo thêm vào buổi chiều.
Tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), Hiệu trưởng Nguyễn Thành Phát cho biết: “Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động cho các trường tổ chức quá trình dạy học từ nhiều năm trước nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường có điều kiện phát huy vai trò chủ động, tổ chức đa dạng nhiều hình thức học tập, gồm truyền thụ kiến thức trên lớp, tổ chức cho học sinh tự học và nghiên cứu tại nhà”.
Đề thi đảm bảo 70% mức độ nhận biết và thông hiểu
Thầy Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), cho biết chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 đã bắt đầu triển khai trong 2 tuần lễ trước Tết Nguyên đán. Khi học sinh quay lại trường học sau hơn 3 tháng nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường dành một tuần đầu tiên để ôn tập và củng cố kiến thức.
Từ ngày 11-5 trở đi (đối với khối 9) và ngày 18-5 (đối với các khối 6, 7, 8), giáo viên sẽ tăng tốc triển khai chương trình học kỳ 2 trong 9 tuần lễ, đảm bảo hoàn tất chương trình năm học trước ngày 11-7. Với bài thi kiểm tra học kỳ 2 của năm nay, 3 môn Ngữ văn, Toán và Anh văn khối 9 sẽ thi theo đề chung; riêng các môn học còn lại của khối 9 và đề kiểm tra học kỳ 2 các khối 6, 7, 8 sẽ do các tổ bộ môn tự xây dựng và tổ chức.
Để thực hiện nhiệm vụ ra đề, mỗi giáo viên ở từng tổ bộ môn sẽ xây dựng ma trận đề thi riêng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của học sinh, qua đó xây dựng cấu trúc đề và ngân hàng đề thi cho mỗi môn học ở từng khối lớp.
Hội đồng trường sẽ tổ chức phản biện và chọn ra đề thi phù hợp. Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TPHCM, đề kiểm tra học kỳ 2 tất cả môn học phải đảm bảo tỷ lệ 70% mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% còn lại phục vụ yêu cầu vận dụng và vận dụng cao.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 đánh giá, đây là lần đầu tiên các trường được chủ động tổ chức kiểm tra học kỳ dựa theo đặc thù dạy học tại đơn vị, đảm bảo yêu cầu “học đến đâu, thi đến đó”, giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Ngoài ra, do được chủ động về thời gian nên thay cho việc “rải đều” kiểm tra trong vòng 2 tuần như các năm trước, năm học này nhiều trường sẽ gói gọn kiểm tra học kỳ 2 trong vòng một tuần, sau đó dành thời gian ôn tập cho học sinh khối 9.
Như vậy, nếu khéo sắp xếp, học sinh khối 9 sẽ có 2-3 tuần lễ tập trung ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Bên cạnh đó, dù được đánh giá đề thi theo hướng “tăng dễ, giảm khó” nhưng đại diện các trường đều cho biết sẽ bám sát chương trình học, đảm bảo tính công bằng và khả năng phân loại học sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, song song với việc rà soát nội dung chương trình, giáo viên cần phân loại đối tượng học sinh theo nhu cầu học tập (có thi tuyển lớp 10 và không thi tuyển). Việc phân loại nhằm đánh giá đúng năng lực học tập và nhu cầu, nguyện vọng của từng học sinh, tránh việc xây dựng thời khóa biểu tăng tiết, giảm tiết hoặc phụ đạo một cách đại trà, tạo thêm áp lực không đáng có cho học sinh. |