Giở lại các trang báo trong 11 tháng của năm 2015, chúng ta phấn khởi khi thấy rất nhiều thông tin khả quan về những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Song, ai cũng không khỏi trăn trở khi thấy trong dòng thông tin xuất hiện một vệt đen rất đáng lo ngại, đó là có nhiều vụ trọng án thảm sát rất dã man, tàn độc, thậm chí giết hại ngay chính những người thân trong gia đình mình rồi tự sát. Ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, nâng cao sức đề kháng cho xã hội đang là một vấn đề cấp bách.
Không cần điểm lại các vụ trọng án giết người man rợ để phân tích thực trạng, vì những hành vi phạm tội tàn độc đó đã thành nỗi ám ảnh, đau xót, căm phẫn trong dư luận. Chuyện cần đi sâu lý giải là những căn nguyên dẫn đến tâm lý và hành vi tội ác. Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân, thường là đối tượng gây án trong trạng thái tâm lý bị kích động, mất kiểm soát của ý thức - do dùng chất kích thích, do hận tình, cuồng ghen, thù oán, mâu thuẫn trong gia đình. Hoặc do dục vọng, tham lam, ra tay cướp của, hiếp dâm, rồi sát hại nhiều người để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Lại cũng có những kẻ dễ dàng ra tay giết người chỉ vì thiếu kiềm chế khi gặp chuyện xích mích không đáng; thậm chí có kẻ vì tiền mà lạnh lùng vung tay đâm thuê, chém mướn.
Căn nguyên của những tội ác đó là hành vi mất nhân tính, thiếu đạo đức - do không được trang bị đúng đắn về ý thức hướng thiện và lòng nhân ái. Trong xã hội tiêu dùng thời công nghệ thông tin có không ít sản phẩm văn hóa, giáo dục, thông tin, giải trí được người ta tung ra thị trường chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu, chạy theo lợi nhuận, mà không quan tâm tính giáo dục. Do vậy, lớp trẻ rất dễ bị tác động tiêu cực bởi những hành vi bạo lực xuất hiện nhan nhãn trong các phim hành động, video clip, game, truyện tranh... Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi thấy trẻ em chơi game bạo lực rất quen với những trò xả súng giết người hàng loạt nên không còn biết gớm trước cảnh tàn sát man rợ, máu chảy đầu rơi. Trong khi đó, lại rất hiếm văn hóa phẩm có tính giáo dục cao, góp phần rèn nhân cách, vun bồi ý thức và dạy kỹ năng sống.
Một lý do quan trọng khác từ phía gia đình, là nhiều bậc cha mẹ bận bịu kiếm sống, hưởng thụ, không sống gương mẫu, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kỹ năng giáo dục con cái. Thế nên không ít trẻ em lớn lên bị lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức, rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc, có tâm lý chạy theo đồng tiền để thỏa mãn nhu cầu bản thân một cách bản năng. Không hiểu biết pháp luật, không có lòng nhân từ, không nghĩ đến hậu quả, nên dễ gây tội ác. Đã có nhiều vụ các học trò đánh hội đồng bạn học dã man và còn thản nhiên quay clip phát tán trên mạng. Nhiều học trò khác xem clip, không những không lên án hành vi bạo lực mà còn bình luận tỏ ý thích thú. Điều đó cho thấy cùng với việc thiếu lòng nhân ái, các bạn trẻ ấy đã không được trang bị đủ nhận thức và kỹ năng sống để biết dị ứng với cái ác và có ý thức tuân thủ pháp luật, không để cái ác lan truyền. Ngay cả một số báo mạng không chỉ vô cảm như vậy mà còn sốt sắng khai thác thông tin kể chi tiết từng hành vi tội ác man rợ, thành sự đầu độc, nỗi ám ảnh, dẫn đường cho tội ác.
Thực tế cho thấy nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục công dân sống tuân thủ pháp luật là chưa đủ, vì pháp luật luôn có những kẽ hở, và kẻ ác thường nghĩ rằng “giết người diệt khẩu” vẫn có thể yên thân. Do vậy, cùng với việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu lực và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý pháp luật để đấu tranh đẩy lùi cái ác, cần phải đặc biệt quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, ý thức hướng thiện và xây dựng quan hệ tình người trong cuộc sống.
Việc cần làm ngay là có sự gạn đục, khơi trong, sàng lọc sản phẩm văn hóa, giáo dục, thông tin, giải trí mang tính bạo lực. Cũng phải dẹp ngay các nghi thức lễ hội đâm trâu, chém lợn với những hình ảnh máu me phản cảm. Trong cuộc chiến chống lại cái ác, rất cần quan tâm nghiên cứu điều tra xã hội học về tội phạm để có sự điều chỉnh ứng phó khoa học. Các đoàn thể quần chúng nên thoát tình trạng hành chính hóa trong hoạt động, mà cần phải vào cuộc tham gia giải quyết vấn đề xã hội gai góc và cấp bách này, bằng việc tuyên truyền vận động, giáo dục đẩy lùi các thói xấu như hành xử bạo lực, cuồng yêu, cuồng ghen..., khắc phục tình trạng lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn hành vi xử sự trong cuộc sống.
HUỲNH THANH LUÂN