Còn khoảng 1 tháng nữa là tới Tết Mậu Tuất 2018, thời điểm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng mạnh. Đây cũng là giai đoạn mà hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu như khu vực biên giới phía Bắc, nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng... luôn “nóng” với các mặt hàng pháo nổ, tiền giả, thực phẩm bẩn, quần áo, giày dép cho tới heroin, ma túy tổng hợp thì khu vực biên giới phía Nam lại căng thẳng với thuốc lá lậu, rượu bia, nước giải khát, đường sữa, bánh kẹo… Trong khi đó, hoạt động b*uôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế chủ yếu tập trung vào xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế lại là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng, ngoại tệ.
Để nhập lậu rồi đưa hàng hóa vào thị trường nội địa tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu, bảo kê không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh nào. Tại khu vực biên giới trên bộ, đội quân buôn lậu luôn có các băng nhóm bảo kê vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị chặn bắt, thậm chí liều lĩnh đánh cướp lại hàng lậu bị thu giữ. Vì vậy, lực lượng chống buôn lậu luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm. Mới nhất, cuối tháng 12-2017, một cán bộ thuế của Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (quốc lộ 1A, địa phận tỉnh Lạng Sơn) khi đang làm nhiệm vụ đã bị ô tô chở hàng lậu tông, khiến cán bộ này tử vong.
Để tránh sự phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng, hầu hết các đầu nậu thường rất ít lộ diện mà chủ yếu mua hàng qua giao dịch bằng điện thoại, Internet, rồi thuê các đối tượng cộm cán ở khu vực biên giới cùng người dân địa phương sang biên giới lấy hàng rồi áp tải về Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu, đầu nậu còn tổ chức cả đội quân “chim lợn” sử dụng bộ đàm, di động và nhiều phương tiện khác để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, rồi từ đó tìm cách đối phó. Hành vi gian lận thương mại, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng buôn lậu không chỉ dừng ở những cách nói trên mà còn ở việc một số doanh nghiệp lợi dụng hệ thống thông quan tự động, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, hệ thống tự động phân luồng tờ khai hải quan (luồng xanh, luồng vàng) để cố tình không khai hoặc khai sai tên hàng, mã số, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa… Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít đối tượng mua hóa đơn hàng hóa của các hộ kinh doanh cá thể để hợp thức hóa cho hàng lậu, rồi gửi hàng qua đường bưu điện dưới dạng bưu kiện nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2017, lực lượng chức năng chống buôn lậu trong cả nước đã phát hiện trên 200.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 19.000 tỷ đồng, đồng thời khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm với hơn 2.000 đối tượng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi thị trường nội địa trong thời điểm “năm hết, tết đến” vẫn tràn ngập hàng lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn hạn chế và lỏng lẻo. Cùng với đó, không loại trừ một số cán bộ, nhân viên trong các lực lượng chức năng tiếp tay, bao che, thậm chí là “bảo kê” cho buôn lậu.
Để có thể ngăn chặn được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang rất phức tạp nhất là vào dịp giáp tết, không chỉ đòi hỏi các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng chống mà còn phải làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, tập trung điều tra, xác định rõ các thủ đoạn buôn lậu, chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát lớn cho ngân sách, những mặt hàng, địa bàn trọng điểm và các đối tượng cầm đầu để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và triệt phá. Hơn nữa, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rèn luyện tư tưởng chính trị, nâng cao bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên môn đối với lực lượng chống buôn lậu, cũng như đẩy mạnh đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý được những cán bộ, nhân viên thoái hóa, biến chất, “đồng lõa” với buôn lậu.