Đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn, nhân tố chủ yếu để nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đó là nhận định, đánh giá của TS Dương Minh Tâm, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM tại hội thảo “Ứng dụng KH-CN nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, đảm bảo môi trường phát triển bền vững trong doanh nghiệp” do Trung tâm Thương hiệu Việt thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại TPHCM.
Mất dần lợi thế cạnh tranh
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tăng bình quân của ngành công nghiệp nước ta khá cao, khoảng 14%. Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam so với các nước khu vực Đông Nam Á thì tốc độ phát triển đó còn quá chậm, nhất là về mặt ứng dụng công nghệ tiên tiến. Báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy kết quả rất đáng lo ngại: “Tuy là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng trình độ công nghệ tiên tiến ở thành phố chỉ có 1%, còn lại là công nghệ lạc hậu và trung bình”. Có thể thấy hiện trạng phổ biến ở nước ta là các doanh nghiệp đã nhập khá nhiều thiết bị máy móc hiện đại, nhưng không được đổi mới liên tục nên nhiều sản phẩm không có sức cạnh tranh cao.
Từ 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM đã được khảo sát cho thấy, thực trạng yếu kém của doanh nghiệp đã thể hiện qua mức đầu tư cho đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm; đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở những năm 80 của thế kỷ trước, 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu, 52% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu, 19% doanh nghiệp lệ thuộc vào bí quyết công nghệ và số cán bộ có kỹ thuật chuyên môn cũng chỉ đạt 7%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao ở nước ta chỉ mới 2%, trong khi Singapore 73%, Malaysia 51%, Thái Lan 30%...
Từ đó, kéo theo năng suất lao động xã hội thấp, so với các nước, như Trung Quốc gấp 1,7 lần, Thái Lan gấp 3,6 lần, Singapore gấp 39 lần năng suất lao động của nước ta. Trước yêu cầu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì cần phấn đấu để đạt GDP/người/năm phải trên 3.000USD (hiện nay khoảng 1.400USD), tỷ trọng nông nghiệp trong GDP phải thấp hơn 15% (hiện tại trên 20%), lao động làm việc trong các ngành phi nông nghiệp phải trên 75% (hiện nay dưới 50%), tỷ lệ dân số đô thị lớn hơn 50% (hiện tại 30%), đóng góp của KH-CN vào tăng trưởng kinh tế phải đạt 60% - 70% (hiện tại đóng góp khoảng 28%).
Thu nhập quốc dân ngày càng tụt hậu khi sức cạnh tranh doanh nghiệp trong nước giảm. Trong đó, do các nguyên nhân như các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp chỉ dựa trên lợi thế tài nguyên thiên nhiên có sẵn và lao động phổ thông, nhưng lợi thế này đang bị mất dần trước sức cạnh tranh của sản phẩm công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển.
Lấy hiệu quả, chất lượng làm thước đo
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bài học để “hóa rồng” của các nước châu Á là phải thực hiện 3 sự chuyển đổi quan trọng: từ đa dạng hóa sang chuyên môn hóa, từ tích lũy sang sáng tạo, từ kỹ năng cơ bản sang kỹ năng tiên tiến. Đối với TPHCM, thực hiện ba sự chuyển đổi này chính là chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, không theo bề rộng mà theo chiều sâu, lấy hiệu quả, chất lượng làm thước đo chính.
Trước mắt, Nhà nước cần đẩy mạnh thị trường KH-CN phát triển nhanh hơn, các hỗ trợ không dừng lại ở các chợ công nghệ (Tech Mart), sàn giao dịch công nghệ, mà cần có đầu tư hỗ trợ nhiều hơn, cơ chế xét duyệt thông thoáng minh bạch. Có thể lấy ví dụ, một số nước lân cận đã xây dựng Luật Chuyển hóa công nghệ (khác với chuyển giao công nghệ), trong đó cho phép nhà nước có thể cùng doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, thuê chuyên gia giỏi trong, ngoài nước, xây dựng cơ sở vật chất lên đến gần 50% vốn đầu tư. Qua thực hành cơ chế này, nhà nước gần như không có rủi ro lớn khi thoái vốn để tiếp tục đầu tư nơi khác.
Nếu cơ chế này áp dụng thành công thì rất dễ xác định các sản phẩm công nghệ cao quốc gia có triển vọng vươn lên thành ngành công nghiệp, công nghệ cao chủ lực. Ngoài cơ chế ưu đãi tài chính (thuế, vay vốn…), cần xác định một số khu vực nhà nước quản lý là thị trường đặc biệt và ưu tiên dành cho doanh nghiệp KH-CN trong nước tham gia bán sản phẩm. TPHCM đã bắt đầu áp dụng thí điểm cơ chế hỗ trợ lương phụ cấp cho đơn vị nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) triển khai công nghệ mới, thuê chuyên gia giỏi về KH-CN làm việc trong chương trình, dự án trọng điểm. Có thể áp dụng rộng ra cho một số doanh nghiệp có dự án sản phẩm tốt đã có thị phần rõ nét trong, ngoài nước.
Áp dụng cơ chế hoàn lại 30% chi phí nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới cho doanh nghiệp đã có sản phẩm thành công (bán được trên thị trường). Cơ chế này nên dần áp dụng thay cho cơ chế đăng ký đề tài KH-CN. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp ứng dụng KH-CN tại Trung Quốc, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia đã “sống sót” nhờ cơ chế này.
Ngoài ra, công tác tôn vinh các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN thành công cần đổi mới toàn diện, làm tốt hơn nữa. Một doanh nghiệp KH-CN tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi được một giải thưởng quốc gia thì lập tức giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó tăng lên nhanh chóng, nhưng điều này chưa xảy ra ở nước ta một cách phổ biến. Công chúng gần như ít biết đến các doanh nghiệp KH-CN qua giải thưởng đã công bố, chỉ tiếp cận qua các kênh thông tin, quảng cáo, giá cả… Lâu nay thường nghe nhắc đến cơ chế 3 nhà (nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước), nhưng chất kết dính và là nhân tố thúc đẩy ứng dụng KH-CN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững doanh nghiệp chính là thị trường, do đó tìm đầu ra cho sản phẩm KH-CN là yếu tố then chốt.
ĐĂNG QUANG
Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt thị trường xuất khẩu
(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, tính đến nay Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đã ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế. Các thỏa ước thương mại tự do này đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường và bạn hàng. Hiện Việt Nam đang đàm phán FTA với 6 đối tác trong đó, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EU và Liên minh hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus. Khi hoàn thành đàm phán với 6 đối tác này, Việt Nam sẽ có quan hệ kinh tế với tất cả các đối tác lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam tận dụng và khai thác như thế nào các lợi thế do các FTA đem lại. Bởi thông qua số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp trong nước khai thác được các lợi thế này hiện chưa nhiều. Trong khi thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt mới đạt 40%, khu vực ASEAN mới khoảng 20%. Do đó, Bộ Công thương lưu ý, các doanh nghiệp trong nước vẫn cần quan tâm các thị trường gần như thị trường ASEAN; tiếp tục nghiên cứu tận dụng các ưu đãi từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu.
LẠC PHONG
Ô tô nhập khẩu tăng trưởng cao
(SGGP).- Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng ô tô của toàn thị trường tháng 4 đạt 11.344 chiếc, giảm nhẹ 3% so với tháng 3. Trong đó, lượng xe du lịch đạt 6.810 chiếc, giảm 5% và lượng xe thương mại đạt 4.534 chiếc, nhích nhẹ 1%. Lượng xe sản xuất trong nước bán ra tháng qua đạt 9.097 chiếc, tăng 10% so với tháng liền trước; lượng xe nhập khẩu đạt 2.247 chiếc, đạt tỷ lệ tăng trưởng 33%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ tăng của xe nhập khẩu cao hơn gấp 3 lần so với xe sản xuất trong nước.
Theo VAMA, tổng sức mua ô tô tháng 4-2014 đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 26% so với tháng 4-2013. Cộng dồn 4 tháng đầu năm nay, sản lượng bán hàng ô tô toàn thị trường đạt 34.284 chiếc, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
THẢO TIÊN
Cần rút ngắn lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh
(SGGP).- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến nay thị trường phát điện cạnh tranh có khoảng 50 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường; chiếm 37,8% tổng công suất và đóng góp tới hơn 40% tổng sản lượng điện cho hệ thống.
Sau gần 2 năm hoạt động, từ tháng 7-2012, việc chào giá điện đến nay đã được công khai từng giờ trên mạng internet, tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa chi phí mua điện. Cụ thể, nếu như trước kia, các nhà máy điện ký hợp đồng dài hạn đối với EVN với một giá cố định, trên cơ sở đó phải giảm chi phí sản xuất để gia tăng lợi nhuận. Nhưng kể từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện có thể nâng lợi nhuận hơn nữa từ chiến lược chào giá.
Theo lộ trình, sau khi kết thúc cấp độ 1 - thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2014, mới chuyển sang cấp độ 2 - thị trường bán buôn cạnh tranh (2015 - 2022) và sau năm 2023 mới thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh. Lúc này, người tiêu dùng mới được quyền lựa chọn đơn vị bán điện. Tuy nhiên, tại các hội nghị gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể đưa giá điện theo giá thị trường và bảo đảm quyền lợi cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và quốc gia cần rút ngắn hơn nữa lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh.
LẠC PHONG