(SGGP). - Ngày 16-10 tại TPHCM, Viện Quản trị kinh doanh FSB, Đại học FPT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo quốc tế “Mô hình quản trị sáng tạo thành công trên thế giới - Bài học cho lãnh đạo Việt Nam”.
Tại đây, GS-TS Wim Vanhaverbeke, Giáo sư tại Trường Đào tạo quản trị hàng đầu châu Âu ESADE, đã đưa ra một số mô hình quản trị sáng tạo mở, nhờ đó, đã cứu sống nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.
Theo GS-TS Wim Vanhaverbeke, thực tế đã được kiểm chứng qua trường hợp hãng trò chơi điện tử (game) Rovio - cha đẻ của game chú chim Angry Bird “đình đám” khắp thế giới. Năm 2009, hãng này đã tạo ra trên 50 game lớn nhỏ nhưng phần lớn không thành công và đã đứng bên bờ vực phá sản. Tình cờ, ban lãnh đạo hãng này nhìn thấy một bức hình có những chú chim nhiều màu sắc bên cạnh những khối màu sặc sỡ, họ nảy ra một ý tưởng sáng tạo game từ những hình ảnh đó. Sau 8 tháng làm việc miệt mài với hàng trăm lần chỉnh sửa, Angry Bird đã ra đời và thành công ngoài mong đợi, mang doanh thu 156 triệu USD vào năm 2013 cho Rovio. Sau đó, hãng này cũng đã thay đổi chiến lược chuyển sang phát triển những phiên bản mới và sản phẩm ăn theo Angry Bird thay vì phát triển trò chơi mới.
Từ ví dụ này, ông Wim Vanhaverbeke khuyến khích các DN Việt Nam đẩy mạnh sự sáng tạo trong kinh doanh. GS-TS Wim Vanhaverbeke nhận định, quá trình chuyển đổi từ kinh doanh dựa trên chi phí thấp sang dựa trên sự sáng tạo đã bắt đầu ở Việt Nam, nhưng còn rất chậm. Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ cần chuyển đổi nhanh hơn nữa chiến lược này nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế về kinh tế đang có. Để có nhiều ý tưởng, GS-TS Wim Vanhaverbeke cho rằng, DN hoàn toàn có thể dùng các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội để thu hút ý tưởng của các chuyên gia tự do trong lĩnh vực cần thiết, ví dụ như tổ chức một cuộc thi để trưng cầu những ý tưởng sáng tạo.
NHUNG NGUYỄN