Thiếu tiếng nói chung
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, những năm gần đây, dệt may luôn là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế, có tiềm năng phát triển lớn, luôn trong tốp dẫn đầu cả nước về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 của ngành dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Năm 2018, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 33,5 tỷ USD. Có được kết quả này là nhờ sự cố gắng của toàn ngành trong phát triển quy mô, áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, trong ngành dệt may hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm yếu cố hữu, hiệu quả chưa cao. Đơn cử, giá trị gia tăng của ngành chỉ ở mức từ 20% - 60%.
Kiểm tra sản phẩm áo sơ mi tại một đơn vị dệt may. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhược điểm lớn nhất của doanh nghiệp dệt may chính là khó hợp tác, không chia sẻ; không xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ, thiếu tiếng nói chung, thiếu người “nhạc trưởng” trong tiếng nói chung…
“Có nhiều trường hợp doanh nghiệp dệt may đặt nhà máy gần nhau. Song, doanh nghiệp này tìm cách lôi kéo lao động của doanh nghiệp kia. Hoặc khi biết doanh nghiệp kia có khách hàng mới thì doanh nghiệp cùng ngành tìm cách phá giá để kéo khách hàng đó về với mình”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thẳng thắn nhìn nhận.
Nhược điểm nữa của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là tốc độ hoàn thành đơn hàng chậm. Đơn hàng nào có thời gian từ 6 tháng trở lên có thể thực hiện được, còn những đơn hàng cần gấp trong 1 hoặc 2 tháng lại không thể thực hiện. Trong khi đó, muốn nhận đơn hàng và hoàn thành nhanh hợp đồng, chắc chắn doanh nghiệp phải liên kết với nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may chưa chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí mơ hồ với việc hội nhập.
“Điều tôi băn khoăn nhất là có nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại mang lại nhưng nhiều doanh nghiệp rất thờ ơ. Đến giờ này, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa hiểu kỹ về TPP hay các FTA là gì”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành dệt may đang gặp khó khăn khi chi phí trong nước như giá nhân công tăng, năng suất thấp… Chính vì vậy, một số nhà đầu tư thay vì mua hàng của Việt Nam đã chuyển sang thị trường Campuchia, Myanmar. Do vậy, ngành dệt may muốn đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 33,5 tỷ USD trong năm 2018 và phát triển bền vững, tiếp tục là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu, đòi hỏi phải có nhiều thay đổi đột phá.
Tạo liên kết chuỗi
Theo ông Võ Tân Thành, trước mắt để thực hiện hiệu quả và đạt được mục tiêu trên, ngành dệt may phải không ngừng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến; đồng thời, tăng cường hợp tác, liên doanh kiên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh khai thác các thị trường mới.
Cũng nhấn mạnh về sự liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành dệt may, nguyên Chủ tịch Vitas Lê Quốc Ân, đề nghị thời gian tới cần thực hiện cả chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc. Chuỗi liên kết ngang sẽ tập trung liên kết những nguồn lực giống nhau để nhận đơn hàng lớn, cùng nhau thương thảo giảm bớt chi phí nguyên liệu, vận chuyển. Còn liên kết dọc, yêu cầu liên kết 1, 2 hoặc 3 giai đoạn về nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, vận tải, bán hàng. Chuỗi này làm lên sức mạnh chung cho toàn ngành. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp may Việt Nam lâu nay luôn yếu về liên kết chuỗi, trong khi các công ty may nước ngoài chiếm 2/3 chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, để tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời tham gia chuỗi cung ứng tốt, doanh nghiệp ngành may mặc trong nước phải có chiến lược phù hợp, năng lực tài chính tốt, chủ động liên kết với nhau. Bởi nếu ngành dệt may thực hiện phương án sản xuất là gia công như lâu nay sẽ không thể tồn tại lâu dài. Do vậy, chỉ có liên kết chuỗi mới cứu được ngành dệt may vì có chuỗi mới làm được FOB, ODM để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chỉ có liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị mới nâng tầm ngành dệt may. Thay vì chỉ tập trung gia công như hiện nay, doanh nghiệp phải cố gắng phát triển các khâu khác như nguyên phụ liệu, thiết kế, bán hàng. Đây là những khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong ngành.
Chưa kể, hiện nay trong bối cảnh cả thế giới dịch chuyển, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để thích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó ngành dệt may Việt Nam phải đổi mới và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Và để doanh nghiệp phát triển bền vững, cần phát triển được chuỗi giá trị trong sản xuất với khả năng đẩy mạnh được công nghiệp hỗ trợ ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần hỗ trợ ngành này nhiều hơn, nhanh chóng có đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác để thúc đẩy ngành phát triển nhanh và bền vững, tăng sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.