Đẩy mạnh phân quyền tuyển dụng cho cơ sở

Không tuyển hết định biên vẫn ký hợp đồng với người lao động, thiếu nguồn tuyển ứng viên đối với một số ngành đặc thù, ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở. Đó là 3 trong số những khó khăn đang diễn ra tại 21 đơn vị được Sở GD-ĐT TPHCM phân quyền tuyển dụng viên chức từ năm học 2013-2014.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện, công tác tuyển dụng còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự “tiếp sức” từ cơ quan quản lý.
Trường loay hoay tìm người
Theo ông Võ Long Triều, Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), việc phân quyền tuyển dụng viên chức đối với một số đơn vị trực thuộc nhằm đẩy mạnh phân cấp quản lý, gắn thẩm quyền tuyển dụng với sử dụng đội ngũ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị.
Năm học 2013-2014, có 12 đơn vị (gồm 8 trường cao đẳng và trung cấp; 3 trường mầm non; Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) thí điểm tự chủ tuyển dụng. Đến năm học 2015-2016, danh sách tự chủ có thêm 2 trường THPT, 7 trung tâm và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT được giao quyền tuyển dụng. 
Nhìn chung, việc phân quyền đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động, tự chủ trong xây dựng kế hoạch quy hoạch và phát triển đội ngũ theo nhu cầu thực tế tại đơn vị, phục vụ kịp thời các hoạt động giảng dạy, chuyên môn và nghiệp vụ của nhà trường.
Tuy nhiên, thống kê số liệu của Phòng Tổ chức cán bộ cho thấy, ở hầu hết các đơn vị đang diễn ra tình trạng thừa chỉ tiêu biên chế nhưng lại ký hợp đồng với người lao động.
Cụ thể, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức mới sử dụng 260 trong tổng số 323 biên chế được giao, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật TPHCM có 263 viên chức đang làm việc trong diện biên chế dù được giao chỉ tiêu đến 283 người…
Đẩy mạnh phân quyền tuyển dụng cho cơ sở ảnh 1 Học sinh lớp 9 tham quan mô hình dạy nghề tại Trường Trung cấp Bách Nghệ (TPHCM)
Lý giải điều này, ông Võ Long Triều cho biết, các đơn vị thích chọn giải pháp hợp đồng với người lao động để tránh tư tưởng “biên chế là ổn định” khiến lao động có sức ỳ lớn, không mang lại hiệu quả cao trong công việc.
rong khi đó, hợp đồng lao động vừa có tính linh hoạt hơn vừa không ảnh hưởng kinh phí giải quyết chế độ, chính sách so với viên chức tuyển dụng theo biên chế.
Mặt khác, đối với bậc mầm non, đại diện Trường Mầm non TP cho biết, tiêu chí ứng viên phải có hộ khẩu TPHCM đang là rào cản lớn trong việc tuyển dụng.
“Có những sinh viên có hộ khẩu ở tỉnh nhưng học lực giỏi, lại rất đảm đang, yêu nghề, có kỹ năng thực hành sư phạm tốt, nhưng không thể nào dự xét tuyển viên chức được”, một phó hiệu trưởng cho biết. Trong 5 năm được phân cấp tuyển dụng, trường này tuyển được 21 giáo viên mầm non, hiện có 43 viên chức trên tổng số 60 chỉ tiêu biên chế được giao. 
Còn tại Trường Trung cấp Bách Nghệ, ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết do là trường mới đi vào hoạt động nên chế độ đãi ngộ đối với viên chức còn hạn chế, môi trường làm việc chưa thật sự hấp dẫn trong khi quy định về chuẩn nghề nghiệp tương đối khắc khe, nên tuyển dụng giáo viên không đủ chỉ tiêu đề ra; đặc biệt các ngành kỹ thuật, công nghệ, chăm sóc sắc đẹp rất khó tuyển vì ít ứng viên đăng ký.
Ngoài ra, nhiều giáo viên, nhân viên trúng tuyển làm việc được một thời gian rồi xin nghỉ để chuyển đến nơi khác có đãi ngộ tốt hơn. Từ năm học 2013-2014 đến nay, trường có 3 ứng viên trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm sở, 18 trường hợp mới tuyển dụng xin chấm dứt làm việc theo nguyện vọng khiến công tác quản lý nhân sự gặp nhiều khó khăn. 
Rà soát, sắp xếp viên chức phù hợp thực tế 
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, TPHCM sẽ mở rộng đối tượng được phân cấp tổ chức tuyển dụng đến các trường THPT chuyên, trường hoạt động theo mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Để việc phân cấp đạt hiệu quả, thời gian tới, sở sẽ tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thủ trưởng và chuyên viên, nhân viên phụ trách công tác tuyển dụng tại các đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tuyển dụng.
Ngoài ra, đối với các trường hợp chưa sử dụng hết định mức số người làm việc được giao, phải xem xét cắt giảm lao động phù hợp với tình hình đội ngũ hiện có tại đơn vị.
Đặc biệt, sở yêu cầu các đơn vị không thực hiện ký kết hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm có chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Nội vụ và UBND TPHCM, đồng thời thực hiện rà soát, sắp xếp lại viên chức đúng vị trí việc làm đã được phê duyệt trong kế hoạch phát triển đội ngũ của đơn vị. 
Để tăng thêm sức thu hút ứng viên, nhiều đơn vị kiến nghị Sở GD-ĐT rút ngắn thời gian phê duyệt kết quả tuyển dụng xuống còn 10 ngày (quy định hiện nay là 15 ngày).
Đối với một số ngành kỹ thuật hoặc ngành học mang tính đặc thù, TP nên nghiên cứu có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các trường tuyển dụng giáo viên, quy định thêm biên chế cán bộ chuyên trách trong hội đồng tuyển dụng để tránh tình trạng nhân sự thường xuyên thay đổi, thiếu tính liên tục và chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng công tác tổ chức.
Ngoài ra, với riêng bậc mầm non, TPHCM kiến nghị liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ xem xét quy định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng và đại học (từ năm học 2016-2017, giáo viên mầm non trúng tuyển viên chức chỉ được xếp hạng IV, hưởng khung lương khởi điểm hệ trung cấp dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học chính quy).

Tin cùng chuyên mục