Trong bối cảnh ngành dệt may bị rơi xuống điểm đáy thị trường khi không đạt chỉ tiêu xuất khẩu năm nay là 31 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải tự tháo gỡ bế tắc sản xuất bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường mới. Với thị trường cũ, chuyển sang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Thị trường cũ: nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm
Phân tích thị trường xuất khẩu năm 2017, các DN dệt may vẫn khẳng định, thị trường Mỹ vẫn là chính dù những diễn biến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn biến theo chiều hướng không có lợi cho DN xuất khẩu. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Thương mại May Sài Gòn, cho biết, Việt Nam đang là nước đứng thứ 2 xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ. Trong năm 2017, thị trường này vẫn là thị trường chủ lực. Nếu có TPP, khả năng cạnh tranh hàng may mặc của Việt Nam vào thị trường Mỹ so với sản phẩm may mặc của Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế về giá thành. Tuy nhiên, để thích ứng với những diễn biến mới trên thị trường, các DN đã và đang có những chuyển hướng đơn hàng xuất khẩu. Theo đó, thay vì nhận gia công những sản phẩm giản đơn, chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ những nước cùng khu vực, các DN dệt may Việt Nam đã chọn nhận những đơn hàng kỹ thuật khó hơn, đòi hỏi tay nghề cao hơn. Những đơn hàng này sẽ tận dụng tối đa yếu tố nhân công khéo tay - vốn là sở trường của lao động Việt Nam.
May xuất khẩu tại Tổng Công ty May Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều DN đang chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đơn cử như Công ty cổ phần May Việt Tiến, Nhà Bè đã và đang xuất những đơn hàng có thương hiệu riêng ra nước ngoài. Tính đến nay, tuy chỉ có 1% DN chủ động từ khâu làm thương hiệu, sản xuất hàng hóa, tiếp thị sản phẩm và phân phối ra thị trường thế giới; 9% DN sản xuất theo ODM (thiết kế, mua nguyên liệu và bán sản phẩm); 25% DN sản xuất theo FOB (mua nguyên liệu sản xuất hoặc mua nguyên liệu theo chỉ định); còn lại 65% DN may gia công. Tuy nhiên, cơ cấu trên sẽ có những thay đổi trong thời gian tới khi những DN may mặc Việt Nam đã và đang có những bước tiến vững chắc ra thị trường bằng chính thương hiệu của mình.
Thị trường mới: tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế
Không chỉ chuyển đổi hướng sản xuất tại thị trường mới, DN nội đang hướng đến khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu tại những thị trường tiềm năng, thị trường mới. Đại diện Phòng thương mại Pháp tại Việt Nam cho biết, thống kê cán cân thương mại giữa châu Âu và Việt Nam cho thấy đang lệch theo hướng có lợi cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đạt 29,98 tỷ EUR/năm, trong khi đó chỉ nhập khẩu 8,45 tỷ EUR/năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu cũng tăng 25%/năm. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường châu Âu là hàng giày da, đồ gỗ, dệt may. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tỷ lệ hàng hóa các nước đang xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì dẫn đầu vẫn là Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam, Campuchia là hai nước có tốc độ kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh từ năm 2010 đến nay nhưng chỉ mới chiếm 3% thị phần tại châu Âu. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với hàng dệt may còn rất lớn. Bên cạnh đó, một thuận lợi khác cho mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam là FTA Việt Nam - EU. Đầu năm 2018, 71% hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào châu Âu sẽ được giảm thuế nhập khẩu. 7 năm tiếp theo thì 99% hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam được miễn thuế. Chiều ngược lại, 60% hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm thuế và sau 10 năm thì 99% hàng châu Âu vào Việt Nam được miễn thuế. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những nguyên tắc xuất xứ nguồn hàng hoá như sản phẩm phải được sản xuất tại Việt Nam; nguyên liệu sản xuất phải là Việt Nam hoặc châu Âu hoặc là Hàn Quốc (vì FTA EU - Hàn Quốc cho phép liên kết chéo) sẽ tận dụng lợi thế ưu đãi về thuế.
Cơ hội cho sản phẩm dệt may Việt Nam còn được mở rộng hơn tại một số thị trường mới khác như Đông Nam Á, liên minh kinh tế Á - Âu. Đặc biệt là với Hiệp định RCEP (hiệp định bao gồm các nước thành viên Asean + 6 nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zeland, Australia) đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. DN Việt Nam cũng chỉ cần đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải (thay vì từ sợi như hiệp định TPP) để có thể tận dụng tối đa lợi thế ưu đãi thuế xuất khẩu. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần phát huy tốt hơn vai trò điều phối cung ứng nguyên phụ liệu dệt may trong nước để tạo điều kiện chủ động hơn cho hoạt động sản xuất của DN may mặc. Trên thực tế, hiện đang tồn tại một nghịch lý là nguyên phụ liệu sản xuất cho ngành dệt may trong nước rất lớn nhưng chỉ ưu tiên xuất khẩu, còn DN sản xuất trong nước phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho biết, hiện sản lượng xuất khẩu sơ sợi, nguyên phụ liệu dệt may sản xuất tại Việt Nam đủ lớn để gây ảnh hưởng đến thị trường thế giới. Điển hình nhất là một số DN như Công ty Thế kỷ và Phong Phú đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ kiện và áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sơ sợi. Tuy nhiên, đó là nếu tính chung cho tổng sản lượng nguyên phụ liệu dệt may do DN FDI và DN nội sản xuất. Còn nếu tính riêng thì 90% nguyên phụ liệu dệt may xuất khẩu do DN FDI sản xuất, 10% còn lại là của DN nội sản xuất. Nguyên phụ liệu sản xuất trong nước chủ yếu là xuất khẩu vì không thể cung ứng cho thị trường nội địa do giá thành không cạnh tranh được nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thống kê từ Hiệp hội dệt may Việt Nam cho thấy, toàn ngành đang có 4.500 DN may. Chỉ tính trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn ngành đạt 29 tỷ USD nhưng chi phí nhập khẩu nguyên liệu gần 16 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu bông hơn 1 tỷ USD, sơ sợi 1,5 tỷ USD, vải nguyên liệu nhập khẩu là 10 tỷ USD, phụ liệu khác khoảng 3 tỷ USD. Do vậy, về phía cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch, tháo gỡ tình trạng thắt nút cổ chai trong cơ cấu ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước phát triển hơn trong thời gian tới.
MINH XUÂN