Đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện

Năm 2022, ngoài 23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, có thêm nhiều trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật số 34. 

Việc tự chủ đại học đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc ban hành văn bản triển khai, thực hiện ở các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ để giúp các trường không e dè khi thực hiện tự chủ.

Đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện ảnh 1 Sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (trường thí điểm tự chủ giai đoạn 2014-2017) học thực hành tháng 11-2021
Quyết tâm tự chủ đại học

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, năm 2021, ĐH Quốc gia TPHCM đã kiện toàn hội đồng trường (HĐT) của các trường đại học thành viên và thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Đến nay, đã có 5/7 trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, từng bước thiết lập các thiết chế nền tảng để thực hiện tự chủ theo lộ trình.

Đặc biệt, việc tái cơ cấu bộ máy, sáp nhập 3 đơn vị trực thuộc, 2 đơn vị cấp ban và thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. “Chúng tôi tiếp tục chọn chủ đề “Mô hình tự chủ - Vươn tầm thế giới” là chủ đề năm 2022. Chủ đề thể hiện sự kiên định, quyết tâm của ĐH Quốc gia TPHCM trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị theo hướng tự chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và hội nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Từ nay đến năm 2025, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tập trung vào 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, thân thiện”, PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh. 

Thực hiện lộ trình tự chủ, tháng 10-2021, Trường ĐH Vinh (Nghệ An) chính thức công bố thành lập và bổ nhiệm cán bộ quản lý 4 đơn vị trực thuộc gồm: Trường Sư phạm, Trường Kinh tế, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu và đào tạo trực tuyến. Đây là đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập trường trong trường ĐH theo Luật số 34 để tiến tới tự chủ mạnh hơn và chuyển thành ĐH Vinh. 

GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết, từ năm 2022, trường sẽ thực hiện chiến lược tái cấu trúc, nổi bật là từ trường ĐH đơn ngành sẽ đổi thành ĐH đa ngành và bền vững. Cùng với đó là kế hoạch thành lập thêm 5 trường trực thuộc. Trong giai đoạn 2022-2025, nhà trường xây dựng đề án thành lập ĐH Kinh tế TPHCM trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật số 34. Giai đoạn 2026-2030, thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở nâng cấp Viện Đào tạo Quốc tế ISB, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH của khu vực ĐBSCL. 

Khơi thông những điểm nghẽn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm và cũng là năm đầu toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kế hoạch, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Do đó, năm 2022 cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Triển khai tự chủ đại học là chủ trương lớn và đã làm được một số việc trong thời gian qua. Việc thực thi quyền tự chủ đại học cần lan tỏa được tới chủ thể quan trọng là người thầy, là nhà khoa học, phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn của nhà khoa học, chuyên gia...

Đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện ảnh 2  Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (trường đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ) trong giờ học thực hành (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay, đến nay đã có 142/175 cơ sở giáo dục đại học công lập kiện toàn HĐT, trong đó 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT đã kiện toàn HĐT. Điểm nhấn trong năm học vừa qua của giáo dục đại học là tự chủ đại học được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập; việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng. 

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, HĐT là vấn đề cần tập trung, nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề của tự chủ đại học. Vì vậy, cần phải tập trung nhiều vấn đề nữa để thực hiện tự chủ được đầy đủ, đúng hướng. Trong đó, phải thực hiện cho được định hướng lớn: tự chủ để đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển toàn diện các trường đại học. Nếu tự chủ không đem lại điều đó, thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh. 

Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường, để thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, thật sự tạo nên đột phá và phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng. Hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số bộ, ngành liên quan dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tự chủ đại học. Do đó, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật số 34 để tháo gỡ những điểm nghẽn, dần đồng bộ hóa hệ thống văn bản để thống nhất thực hiện.

Tin cùng chuyên mục