Đẩy mạnh tuyên truyền việc thắt dây an toàn trên ô tô

Các lực lượng chức năng của TPHCM như Ban An toàn giao thông (ATGT), Cảnh sát giao thông đang đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô đang lưu thông, như là một trong nhiều biện pháp để đảm bảo ATGT trên địa bàn. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN:
Ban ATGT thành phố vừa phát động chiến dịch tuyên truyền, kết hợp xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô đang tham gia giao thông. Mục đích chính mà chiến dịch này nhắm đến là gì, thưa ông?

* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới tham gia vào thỏa thuận dự án có nội dung nhằm ngăn chặn sự gia tăng tai nạn giao thông đường bộ trên toàn cầu, được hỗ trợ kỹ thuật bởi Quỹ Bloomberg Philanthropies. Dự án này được thực hiện trong 5 năm, từ 2015-2019, bao gồm 3 lĩnh vực: tuyên truyền, cưỡng chế và hạ tầng giao thông. UBND TPHCM đã giao Ban ATGT làm đầu mối phối hợp với các sở ngành liên quan cùng tổ chức Vital Stratgies (đại diện của Quỹ Bloomberg Philanthropies) triển khai thực hiện chương trình. Đến nay, dự án đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề về kỹ thuật hạ tầng giao thông và các chiến dịch tuyên truyền kết hợp cưỡng chế; trong đó, tiêu biểu là chiến dịch tuyên truyền kết hợp cưỡng chế các hành vi vi phạm về quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Trong chiều hướng thực hiện dự án và nhằm thực hiện kế hoạch truyền thông cộng đồng năm 2019 trên địa bàn thành phố, Ban ATGT TPHCM đã phát động chiến dịch với tên gọi “Tuyên truyền kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định thắt dây an toàn đối với người tham gia giao thông bằng ô tô”. Mục đích hướng tới của chúng tôi thông qua chiến dịch này là góp phần làm thay đổi hành vi sử dụng dây an toàn của người đi xe ô tô, qua đó xây dựng văn hóa giao thông với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

                       Tài xế thực hiện thắt dây an toàn khi lái xe                        Ảnh: THÀNH TRÍ
 * Có một thực tế là tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng, động tác thắt dây an toàn chưa được người ngồi trên ô tô quan tâm đúng mức. Ông có thể nói gì về điều này?


* Chúng tôi cho rằng gần như thói quen đó của một bộ phận người ngồi trên ô tô bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng trong thực tế của dây an toàn đã được hãng sản xuất trang bị trên ô tô. Nói cách khác, một bộ phận lái xe và người ngồi trên ô tô tham gia giao thông vẫn còn hạn chế trong việc nhận thức về những nguy hiểm nếu không thắt dây an toàn. Dây an toàn là một thành phần được trang bị trên ô tô có tác dụng giữ chặt người ngồi trên xe, qua đó đảm bảo an toàn nếu có xảy ra tai nạn giao thông. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, việc chấp hành thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước của ô tô thì nếu chẳng may tai nạn giao thông xảy ra, người thắt dây an toàn sẽ giảm được 45% - 50% nguy cơ tử vong và 20% - 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng. Ngược lại, người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn khi xe lưu thông, có nguy cơ bị bật khỏi xe cao gấp 30 lần khi xảy ra va chạm và hơn 75% trường hợp bị bật khỏi xe trong vụ va chạm nghiêm trọng, có khả năng tử vong. Cơ quan ATGT Đường bộ quốc gia của Mỹ cũng khuyến cáo rằng, nếu thắt dây an toàn khi ô tô lưu hành thì giảm đến 45% nguy cơ bị chấn thương dẫn đến chết người và giảm 50% nguy cơ các chấn thương nghiêm trọng.

Ở nước ta, qua thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra và làm chết nhiều người, ngoài nguyên nhân từ lái xe, còn một phần do những người ngồi trên xe đã không thắt dây an toàn, điển hình như trường hợp có đến 13 người tử vong trong vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Nam, hồi cuối tháng 7 năm 2018. Quy định về việc thắt dây an toàn đã được ghi rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, cụ thể là Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 và Nghị định 46/2016/NĐ- CP có hiệu lực từ ngày 1-8-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Theo đó, lỗi không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp. Đã có quy định thì cũng cần tổ chức tuyên truyền và sau đó là kiểm tra, xử lý. Chúng tôi cho rằng việc tuyên truyền và kiểm tra, xử lý phải được làm thường xuyên.

* Ban ATGT sẽ làm gì trong thời gian tới để việc tuyên truyền thắt dây an toàn đem lại hiệu quả cao nhất?

 Chúng tôi khẳng định việc tuyên truyền, phổ biến tác dụng, lợi ích của việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông sẽ có lợi ích tỷ lệ thuận với số lượng đơn vị, ban ngành hưởng ứng tham gia, cũng như phải cần thời gian thực hiện. Trong nhận định ấy, Ban ATGT TPHCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các quận huyện, hiệp hội và doanh nghiệp vận tải, bến xe đầu mối, bệnh viện, cơ quan báo chí, tùy vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình mà xây dựng kế hoạch tuyên truyền rộng rãi với thông điệp “Luôn thắt dây an toàn vì tính mạng của chính bạn”. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tác hại của tai nạn giao thông.

Tin cùng chuyên mục