Dạy ngư dân đi biển

Tự sửa chữa tàu
Dạy ngư dân đi biển

Thoạt nghe có vẻ khó tin. Vậy nhưng, để nâng cao hiệu quả đánh bắt khi ra khơi cũng như trang bị kiến thức pháp luật và tay nghề điều khiển phương tiện, những năm qua Quảng Ngãi đã đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho hàng nghìn ngư dân. Tỉnh này cũng đẩy mạnh xuất khẩu ngư dân và đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Nhiều thuyền trưởng, máy trưởng các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi được đào tạo nghề nên khi ra khơi đã khắc phục được những rủi ro bất ngờ.

Nhiều thuyền trưởng, máy trưởng các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi được đào tạo nghề nên khi ra khơi đã khắc phục được những rủi ro bất ngờ.

Tự sửa chữa tàu

Đầu mùa biển năm nay, nhiều ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi và tự tin ra khơi nhờ được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đang hành nghề trên biển. Ngư dân Võ Văn Lựu, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể: Từ trước đến nay, anh em trên tàu chỉ biết đánh bắt, vận chuyển cá còn máy móc thì chịu. Khi tàu bị sự cố thì phải gọi về cho thợ máy trong bờ hướng dẫn sửa chữa. Có nhiều trường hợp không sửa chữa được phải nhờ tàu khác lai dắt vào bờ. Có trường hợp mới ra chưa đánh bắt được bao nhiêu lại phải vào bờ.

Bây giờ, những ngư dân được học lớp máy trưởng, thuyền trưởng đã biết được ít kiến thức máy móc nên có thể tự khắc phục được ngoài biển, hoặc sửa chữa tạm để tàu hoạt động hết phiên biển rồi vào bờ kiểm tra lại. Nhờ vậy bà con ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi. Chủ tàu cá QNg-92693 Phạm Quang Hùng ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) thì cho rằng: “Được đào tạo miễn phí nghề thuyền trưởng, bản thân tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức quan trọng để áp dụng khi lái tàu ra khơi hành nghề. Qua khóa học chúng tôi được hướng dẫn từ đường đi đánh bắt, né, tránh tàu, điều khiển tàu sao cho tiết kiệm dầu, cách bảo quản hải sản trên tàu... Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn về Luật Biển, Luật Hàng hải để tránh nguy hiểm khi đánh bắt ngoài khơi. Nhờ được học các kiến thức bổ ích mà anh em chúng tôi yên tâm ra biển hơn và thực hiện đánh bắt có hiệu quả”.

Còn ngư dân Đỗ Thanh Hy ở xã Bình Châu lại tâm đắc với việc bảo quản các loại thủy hải sản. “Lâu nay, đánh bắt dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Bên cạnh đó, do sử dụng phương tiện, ngư lưới cụ và bảo quản cá chưa đúng cách, dẫn đến sản lượng khai thác và chất lượng cá đạt thấp. Nay đã học được các phương pháp bảo quản nên bán cá được giá cao hơn” - ông Hy chia sẻ. Ngư dân Nguyễn Văn Hải (38 tuổi), kiêm thuyền trưởng một tàu cá ở huyện Lý Sơn, không giấu giếm: “Tôi đã lái tàu hơn 10 năm, với hàng trăm chuyến ra khơi... thế nhưng nhiều quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy và liên quan thì biết rất ít”. Vì vậy chỉ sau khi tham gia học lớp đào tạo thuyền trưởng cách đây không lâu, anh mới thông suốt được nhiều điều. Chẳng hạn khi gặp tình huống khẩn cấp như bão, gió to... muốn vào trú tại cảng nào đó ở nước ngoài thì phải sử dụng một loại cờ riêng biệt treo lên. Khi tàu hỏng máy ngoài điện đàm để báo, phải treo cờ hiệu để tàu khác biết và tránh...

Bỏ biển, không bỏ học

Hầu hết các ngư dân tham gia các khóa học về máy trưởng, thuyền trưởng đều biết bị thiệt thòi chút ít về kinh tế do phải bỏ dở một vài phiên biển. Thế nhưng, rất nhiều chủ tàu sẵn sàng “bỏ biển chứ không bỏ học”. Theo họ, những kiến thức được trang bị từ lớp học này, đặc biệt là việc tuân thủ những quy định khi vào các cảng lớn; hay lúc hoạt động đánh bắt, neo trú trên những địa điểm có nhiều tàu thuyền đi qua sẽ giúp ích rất nhiều, hạn chế những rủi ro do va đập... cho các lái tàu.

Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó chi cục trưởng khai thác nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, tiếng là đào tạo, thế nhưng không như nhiều người học lái ô tô bắt đầu khóa học từ “không biết gì”, 100% ngư dân tham gia học lớp đào tạo thuyền trưởng tàu cá ở Quảng Ngãi là những người điều khiển tàu đầy kinh nghiệm. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trong đó chủ yếu là bận đưa phương tiện khai thác trên biển nên họ chưa tham gia lớp học để được cấp chứng chỉ. Từ năm 2005 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Chi cục đã phối hợp với các trường chuyên môn trong nước và Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) mở hàng chục lớp đào tạo thuyền trưởng tàu cá (hạng 5, công suất từ 20CV-90CV) và nâng cấp thuyền trưởng tàu cá hạng 5 lên hạng 4 (lái tàu có công suất từ 90 CV trở lên); đào tạo máy trưởng tàu cá.

Gần đây nhất, theo Đề án 1956, hàng chục lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng được mở, hỗ trợ ngư dân học nghề 100%. Nhờ đó, đã có 3.000 ngư dân được cấp chứng chỉ thuyền trưởng (hạng 5 và 4) và 2.000 ngư dân được cấp chứng chỉ máy trưởng. Và với số thuyền, máy trưởng đã được cấp chứng chỉ, ước số lái tàu cá và thợ máy hiện đang hoạt động trên biển đã qua đào tạo đạt trên 80%. Riêng năm 2012 và 2013, đã cấp khoảng 370 chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng.

Bà Cù Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Quảng Ngãi, cho rằng: “Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, việc đào tạo nghề cho ngư dân để giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết. Có như thế họ mới yên tâm bám biển làm ăn. Mô hình đào tạo nghề cho ngư dân thực sự là hướng đi tích cực, hỗ trợ đắc lực cho ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển. Hiện nhu cầu học nghề đi biển của ngư dân trong tỉnh là rất lớn. Trong năm 2013, sở đã làm việc với các địa phương ven biển bố trí kinh phí đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng hạng 4 cho khoảng 500 ngư dân. Và trong thời gian đến sẽ tiến tới phổ cập nghề cho toàn bộ ngư dân”.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục