Từ năm 2012, nhiều trường tiểu học (TH) trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh việc dạy môn lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn. Sự đổi mới này đã trút bớt gánh nặng học sử và tạo niềm hứng khởi, đam mê cho nhiều học sinh trong hành trình tìm hiểu cội nguồn dân tộc, di tích lịch sử địa phương.
Học từ thực tế
Trước đây, đi qua Hội quán Lệ Châu số 586 đường Trần Hưng Đạo B, phường 14 quận 5 TPHCM, nhiều học sinh không biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa của di tích lịch sử văn hóa cổ này. Chỉ đến khi học lịch sử địa phương và được tham quan, các em mới hiểu tận tường nguồn gốc, ý nghĩa của công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật này. Được xây dựng từ thế kỷ 19, đền thờ tổ nghề bạc sớm nhất tại TPHCM được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998. Không chỉ truyền bá rộng rãi nghề thợ bạc, Hội quán Lệ Châu còn trở thành nơi nuôi giấu cán bộ từ năm 1939 và trụ sở bí mật của Nghiệp đoàn thợ bạc cứu quốc (cơ sở của Ban Kinh tài).
Để giúp học sinh hiểu rõ nguồn gốc, quá trình hình thành hội quán, thầy giáo trẻ Huỳnh Thế Nhã, Trường TH Nguyễn Đức Cảnh đã dành nhiều công sức sưu tầm tư liệu, hình ảnh để hoàn thiện đồ dùng dạy học bằng phương tiện trình chiếu phim tư liệu. Không những thế học sinh còn đi tham quan, tìm hiểu thực tế đền thờ và chăm sóc, quét dọn di tích, nhặt rác nhổ cỏ, tưới cây xanh… Điều này không chỉ giúp các em tự hào về di tích lịch sử của địa phương, tổ nghề thợ bạc truyền thống mà còn nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ di tích.
Trong năm học 2012-2013, Trường TH Nguyễn Đức Cảnh đã tổ chức nhiều đợt tham quan cho 1.200 em ở các khối lớp của trường. Theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục quận 5, nhờ kết hợp giữa giáo dục hiện đại và giáo dục truyền thống, lồng ghép các tiết học ngoài giờ lên lớp gắn liền với tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương như Hội quán Lệ Châu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc dạy sử.
Tương tự, Ban giám hiệu Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 cũng nhận thức đúng ý nghĩa của hai từ nghe - nhìn trong môn lịch sử. Những điều học sinh tiếp thu từ thực tế nghe - nhìn hiện vật sống động… sẽ giúp các em cảm thấy học môn sử hấp dẫn hơn và cuốn hút các em vào dòng chảy của lịch sử nước nhà. Chính vì thế, hàng năm trường luôn tổ chức cho học sinh tham quan học tập tại bảo tàng hoặc di tích lịch sử theo nội dung bài học. Cụ thể, khi học bài về “Nước Văn Lang - Nước Âu Lạc”, học sinh được tham quan Bảo tàng Lịch sử VN; học bài “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước” đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và “tiến vào Dinh Độc lập” đến Dinh Thống Nhất…
Đến bảo tàng, di tích lịch sử và quan sát các hiện vật sống động liên quan đến sự kiện lịch sử, học sinh có thể suy ngẫm, tưởng tượng và ghi nhớ những kiến thức tưởng chừng “khó nuốt”. Không những thế, nhiều tiết học sử của Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng trở nên dễ nhớ nhờ tập thể giáo viên luôn sáng tạo, thiết kế mô hình minh họa trận đánh, sự kiện cho những bài dạy lịch sử. Nhờ vậy, học sinh hứng thú học, lĩnh hội kiến thức tốt hơn, ghi nhớ sự kiện lịch sử dễ dàng hơn.
Sưu tầm “Kho tư liệu lịch sử quý giá”
Tại hội thảo chuyên đề “Dạy và học lịch sử cấp tiểu học bằng phương tiện nghe - nhìn” do Sở GD-ĐT TPHCM và Phòng GD-ĐT quận 5 tổ chức gần đây, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên TH đã đánh giá cao phương pháp đổi mới này. Đây cũng là chủ trương của UBND TPHCM nhằm thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy tích cực, giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo. Hơn nữa, mục đích của việc đưa phương tiện nghe nhìn vào dạy - học lịch sử nhằm tạo hứng thú cho học sinh và yêu cầu giáo viên coi trọng thực hành, thực nghiệm, tránh truyền đạt kiến thức máy móc, nhồi nhét.
Theo ông Lâm Văn Đua, chuyên viên Phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, tỷ lệ tiết dạy sử dụng phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học môn lịch ở từng khối lớp, nhất là hai khối 4 và 5 còn có sự chênh lệch nhưng kết quả đạt được rất khả quan. Trong khi chờ đợi cấp vĩ mô đổi mới chương trình, sách giáo khoa một cách căn cơ thì mỗi giáo viên phải xác định vai trò chủ đạo của mình trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm tòi cách truyền đạt kiến thức lịch sử hiệu quả nhất. Điều này minh chứng rằng nếu không có đam mê, sự sáng tạo và nhạy bén trong sưu tầm tư liệu, thiết kế bài giảng của thầy cô thì không thể có tiết dạy sử truyền cảm, lay động trái tim học trò - khiến các em thích học, thích khám phá thế giới xung quanh.
“Tuy nhiên, để tiết học môn lịch sử luôn hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải có “tay nghề cao. Điều đó thể hiện ở chỗ không chỉ có ý tưởng hay, kỹ năng thực hành tốt mà còn chịu khó tìm tòi, thu thập hình ảnh, tư liệu lịch sử hay, đặc sắc từ nhiều nguồn. Tùy thuộc vào nội dung bài giảng mà giáo viên chọn lựa phương pháp giảng dạy tối ưu nhất-kết hợp khéo léo giữa phương tiện nghe nhìn với các phương pháp dạy truyền thống, hiện đại khác như sắm vai, thảo luận nhóm…” - Đó là nhận định của cô Nguyễn Ngọc Hảo, Trường TH Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng.
Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương nêu trên, các trường TH ở TPHCM đã sưu tầm nhiều tranh ảnh, mô hình, phim tư liệu, video clip… để áp dụng trong tiết dạy sử ở các khối lớp. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, đây là “kho tư liệu dạy sử quý giá” và sở sẽ gửi về cho 24 quận huyện tham khảo và ứng dụng phù hợp với nội dung chương trình và đối tượng học sinh.
KHÁNH BÌNH