ĐBQH nói gì về thương vụ Grab và Uber?

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã chính thức ban hành quyết định điều tra vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam trong vòng 180 ngày, kể từ ngày 18-5. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ vụ việc để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
ĐBQH nói gì về thương vụ Grab và Uber?

Trước đó, theo công bố điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam thông qua việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam, với thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3, Chương II - Luật Cạnh tranh 2004. Trong khi đó, văn bản của GrabTaxi Việt Nam gởi cơ quan chức năng Việt Nam lại cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30% nên Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.

Ngày 25-5, bên hàng lang Quốc hội, báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH về vấn đề này, nhất là việc Uber còn nợ 53 tỷ đồng tiền thuế.

TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐBQH Hà Nội: Quản lý thuế không còn là phương thức truyền thống 

ĐBQH nói gì về thương vụ Grab và Uber? ảnh 1 Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng nếu độc quyền thì  Grab không được mua Uber
Việc mua bán, sáp nhập là quyền của các doanh nghiệp (DN), nhưng nếu việc mua bán đó dẫn đến tình trạng 1 DN chiếm lĩnh thị trường với một thị phần quá lớn và tạo ra độc quyền để gây phương hại đến việc lựa chọn của người tiêu dùng thì lại vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trong trường hợp này, các đơn vị mua bán, sáp nhập có nguy cơ rơi vào tình trạng độc quyền phải có trách nhiệm khai báo với Chính phủ và cơ quan quản lý cạnh tranh của Chính phủ. Cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền điều tra, nếu như việc đó thực sự tạo ra tình trạng độc quyền thì việc mua bán đó sẽ không được thực hiện. Còn nếu như vẫn cố tình thực hiện thì sẽ phải chịu xử lý của pháp luật.

Về vấn đề thuế, việc Grab mua lại các hoạt động của Uber trong khi  Uber còn nợ thuế thì trách nhiệm nợ thuế đó là thuộc về Grab khi nhận quyền khai thác của Uber. Nếu việc mua bán này không vi phạm luật cạnh tranh thì  trách nhiệm trả nợ thuế là của Grab.

Qua vụ này cho thấy một vấn đề: quản lý thuế không còn là phương thức truyền thống (thông qua hóa đơn, chứng từ) mà xu hướng cách mạng 4.0 cũng như xu hướng của thương mại điện tử đòi hỏi phương thức quản lý thuế của chúng ta phải thay đổi. 

Không chỉ dừng ở các văn bản mà phải có quản lý minh bạch hơn. Hay nói cách khác, Chính phủ không phải chỉ đặt ra các điều kiện để DN phải đi theo, mà Chính phủ phải kịp thời đưa ra các giải pháp để ứng phó và quản lý được những phát sinh rất mới,  không theo thông lệ đang nảy sinh trên thị trường. Làm  được như vậy thì chúng ta mới có thể quản lý và chống thất thu thuế có hiệu quả.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Grab và Uber dùng phần lớn tiền phải đóng thuế để thực hiện khuyến mãi, là khuyến mãi không hợp pháp 

ĐBQH nói gì về thương vụ Grab và Uber? ảnh 2 Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng  Grab dùng tiền không đóng thuế để khuyến mãi, và điều đó bóp chết taxi truyền thống

Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển. Có cạnh tranh thì người tiêu thụ được hưởng lợi. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có đủ năng lực để xử lý những cạnh tranh kiểu này, nhất là khi công nghệ mới ồ ạt tiếp cận. Ai cũng biết, Grab và Uber khai thác được ưu thế rất lớn của công nghệ. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước đã mất thời gian rất dài mới phân biệt được bản chất của Grab và Uber là gì, mà cũng chỉ nói được vấn đề thương mại điện tử chứ không nói lên được việc chuyên chở hàng hóa. 

Nguy cơ phá vỡ quản lý truyền thống của chúng ta trong vấn đề này là gì? Taxi truyền thống trên cơ sở số lượng tương ứng với hạ tầng, nhưng trong thời gian rất ngắn, số lượng Grab và Uber đã cao hơn cả lượng taxi truyền thống, và điều này sẽ thành hiểm họa. Như vậy thì chúng ta giải quyết thế nào vì người dân họ đã bỏ tiền mua phương tiện, thiết bị để chạy Grab? Chúng ta đã không nhận biết, không theo kịp thực tiễn. Vì thế cần phải có giải pháp quản lý thích ứng, kịp thời. Phải có giải pháp ứng phó linh động hơn với những gì mà thực tế diễn ra.

Về vấn đề thuế, Cục Thuế TPHCM muốn truy thu hơn 53 tỷ đồng tiền thuế của Uber là không dễ bởi vụ việc vẫn đang liên quan đến kiện tụng. Trường hợp toà tuyên Cục Thuế TPHCM thắng thì cũng khó cưỡng chế Uber vì hãng không lập pháp nhân cũng như mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.

Việc nợ thuế, tôi cho là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Xử lý thế nào thì phải theo luật pháp, nhưng tôi cho là đầu tiên phải xử lý vấn đề năng lực quản lý của chúng ta. Chính tôi đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề này và ngành tài chính trả lời là thuế được thu công bằng, họ đóng góp đầy đủ. Tôi rất ngạc nhiên khi Bộ Tài chính trả lời như thế, vì dư luận xã hội thấy sự thật khác. Taxi truyền thống phải nộp thuế, còn Grab và Uber dùng phần lớn tiền phải đóng thuế đó để thực hiện khuyến mãi, như thế là khuyến mãi không hợp pháp. Khuyến mãi đó bóp chết taxi truyền thống. Do đó tôi cho rằng phải có giải pháp, đi liền với đó là không được kém hiểu biết. Kém hiểu biết là cực kỳ nguy hại với quản lý nhà nước.

Tin cùng chuyên mục