(SGGP).- Đang bước vào mùa khô hạn, nhưng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về tài sản làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở đất bờ sông đến mức báo động. Ngày 10-3, tại ấp Tân Thạnh (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), đoạn sạt lở dài hơn 150m và ăn sâu vào đất liền hơn 70m ngay dưới chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình kè mỏ hàn xã An Hiệp. Vụ sạt lở kéo hơn 11.000m² đất vườn, 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, làm thiệt hại gần tỷ đồng. Tiếp đó, đến ngày 17-3, tại ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sạt lở đất cuốn trôi 500m³ đá xây dựng thuộc cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Tư Rép.
Từ đầu năm đến nay, tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã xảy ra 6 điểm sạt lở. Ngày 26-2 vừa qua, khi triều cường vừa rút thì tuyến lộ kênh Tân Quới (ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) bị rạn nứt khoảng 30m sụp hoàn toàn xuống kênh với độ sâu hơn 2m, khoảng cách xa bờ 9m.
Trong khi đó, tại Cà Mau, toàn tuyến bờ biển của tỉnh này có hơn 40km bị sạt lở nặng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tuyến bờ biển Đông có chiều dài khoảng 76km, hiện có khoảng 5km đang bị sạt lở rất nghiêm trọng gồm đoạn Khai Long - Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển và đoạn Tân Thuận thuộc huyện Đầm Dơi. Tỉnh Cà Mau đề xuất với Chính phủ xem xét đầu tư vốn gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đê biển Đông đoạn từ Gành Hào đến sông Bảy Háp, nhằm bảo vệ rừng phòng hộ và đời sống cũng như diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân vùng ven biển Mũi Cà Mau.
NHÓM PV