(SGGP).– Mực nước lũ đầu nguồn đo được ngày 21-9 trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,20m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,58m. Mấy ngày qua, nước lũ lên nhanh kết hợp với gió lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đê Tha La, đe dọa hàng ngàn hécta lúa thu-đông của tỉnh An Giang.
Tuyến đê Tha La dài 8km, đi qua 2 xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, bảo vệ gần 6.000 lúa thu-đông đầu nguồn. Nước lũ dâng cao, đe dọa làm vỡ nhiều vị trí suốt chiều dài tuyến đê. Nghiêm trọng hơn, tại một số điểm gần đập tràn Tha La, bờ kè đê bằng rọ đá đã bị sóng cuốn trôi. Hiện mực nước ngoài đập tràn Tha La đạt 3,65m, cao hơn 1,66m so với cùng kỳ.
Ban chỉ huy PCLB tỉnh An Giang nhận định tình hình lũ diễn biến khá phức tạp. Sau khi xả 2 đập tràn Tha La, Trà Sư, mực nước tứ giác Long Xuyên lên nhanh. Theo dự báo, cuối tháng 9, đầu tháng 10, lũ lên nhanh kết hợp với triều cường sẽ tiếp tục làm mực nước ngoài đập Tha La dâng cao. Ban chỉ huy PCLB tỉnh An Giang cùng chính quyền địa phương huy động hàng trăm người tập trung gia cố, bảo vệ toàn bộ tuyến đê Tha La.
Trong khi đó, lực lượng PCLB cùng người dân cũng đang tập trung xử lý tình trạng rò rỉ nước qua hệ thống đê bao, cống đập bảo vệ lúa vụ 3 tại các địa phương. Ngoài ra, nước lũ lên cao khiến nhiều địa phương đầu nguồn tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Ngày 21-9, một vụ sạt lở lớn với chiều dài 70m, ăn sâu vào đất liền 40m xảy ra tại khu vực ven sông Tiền thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu. Chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 3 hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy hiểm vào nơi an toàn.
Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo tốt phương châm 4 tại chỗ; cấp bách huy động lực lượng tập trung gia cố và ứng trực bảo vệ 24/24 các tuyến đê bao xung yếu...
B.Đại