ĐBSCL: Nhiều dự án cấp vùng còn “nằm trên giấy”

Kinh tế phát triển mờ nhạt
ĐBSCL: Nhiều dự án cấp vùng còn “nằm trên giấy”

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với hạt nhân là TP Cần Thơ và 3 tỉnh Cà Mau, An Giang, Kiên Giang là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây của cả nước; là trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Vùng này cũng là trung tâm dịch vụ - du lịch lớn, nằm bên cạnh khu vực kinh tế năng động phát triển Đông Nam bộ và bên cạnh Campuchia, một thị trường trẻ, còn đầy tiềm năng.

Anh Trần Văn Tổng kéo thử mẻ tôm 4 tháng tuổi được nuôi theo phương pháp công nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: THÁI BẰNG

Kinh tế phát triển mờ nhạt

Theo định hướng phát triển, vùng này phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2020 xấp xỉ 11%. Tới thời điểm 2020, GDP bình quân/người sẽ đạt 4.400 USD, xuất khẩu vượt ngưỡng 10 tỷ USD, sản lượng lương thực trên 10 triệu tấn, sản lượng thủy sản trên 2,4 triệu tấn... Định hướng đến năm 2030, GDP bình quân/người khoảng 9.300 USD, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế gần 90%, 10% còn lại sẽ là nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; đặc biệt môi trường đầu tư của vùng phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và khu vực, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%...

Một số mục tiêu, công trình, dự án trọng điểm đã được Chính phủ xác định tạo điều kiện cho vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cất cánh: Xây nhà máy lọc dầu công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm tại TP Cần Thơ, xây dựng nhà máy lọc dầu tại Năm Căn, hoàn thành Trung tâm điện lực Ô Môn, xây dựng trung tâm nhiệt điện công suất 4.400MW tại Kiên Lương, phát triển Cần Thơ thành trung tâm công nghiệp - công nghệ thông tin lớn của vùng và là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả vùng.

Thế nhưng, từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL còn rất mờ nhạt, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều dự án cấp vùng còn “nằm trên giấy” như: nhà máy lọc dầu, công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực. Nguyên nhân do sự liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm còn rời rạc. Sự liên kết của ban điều phối vùng ĐBSCL với các ban điều phối các vùng kinh tế trọng điểm khác chưa chặt chẽ. Lãnh đạo TP Cần Thơ nhìn nhận, ngay tại Cần Thơ, vai trò tham mưu của tổ điều phối vùng kinh tế trọng điểm của địa phương còn hạn chế nên các đề xuất chưa đạt hiệu quả. Các chế độ chính sách cho các địa phương vùng kinh tế trọng điểm chưa thỏa đáng, chưa tạo động lực cho các địa phương phát triển. Đơn cử như Cần Thơ là địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương nên không được hưởng các chế độ, ưu đãi khi đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Điều này làm hạn chế mục tiêu phát triển trở thành thành phố công nghiệp của Cần Thơ.

Cần có chính sách riêng

Theo các nhà quản lý, nguyên nhân mờ nhạt của vùng kinh tế trọng điểm còn do bộ máy điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hoạt động chưa đạt hiệu quả. Bộ máy này thiếu bộ phận điều phối vùng, thiếu cơ chế tài chính và trong cơ cấu tổ chức điều phối không có đội ngũ các nhà tư vấn. Sự vắng mặt của khu vực doanh nghiệp cũng khiến việc đề xuất hoạt động liên kết thiếu tính thực tế, thiếu gắn kết với thị trường. Vì lẽ đó, bộ máy điều phối hiện chưa thể là một cơ quan tiếp nhận chính sách và tổ chức thực thi chính sách mang tính toàn vùng. Hậu quả của thực trạng này làm cho các chính sách chung cho vùng không có cấp tổ chức triển khai thực hiện, các chính sách ban hành không có địa chỉ thực thi, các văn bản quy hoạch hay các chính sách vùng gần như chỉ nằm trên giấy. Điều này còn gây lãng phí nguồn lực lớn cũng như xu thế phát triển chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn nhau giữa các địa phương. Ngoài ra, điểm yếu và thiếu nhất của các vùng kinh tế trọng điểm là liên kết nội vùng và liên vùng. “Thực hiện quy hoạch chung cho vùng chưa tập trung, liên kết chưa chặt chẽ. Cà Mau mạnh thủy sản nhưng có những địa phương không có thế mạnh thì lại có quá nhiều nhà máy chế biến thủy sản! Vấn đề là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong nội vùng trong việc trao đổi hàng hóa, liên kết phát triển vùng nguyên liệu nên thiệt thòi trong làm thị trường, bán sản phẩm”, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nêu thực trạng.

Theo các chuyên gia, để vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm khác phát triển, cần có chính sách riêng cho các vùng kinh tế trọng điểm, bởi đầu tư hạ tầng mà không có chính sách ưu đãi, tăng vốn đầu tư thì các địa phương không thể làm được. Ngoài ra, phải kết nối các vùng kinh tế trọng điểm bằng các công trình giao thông liên vùng, nâng cao vai trò của hội đồng quản lý vùng để xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội vùng; xây dựng trung tâm dữ liệu vùng về kinh tế, thị trường, đầu tư (quản lý theo cơ chế mềm) để nhà đầu tư tham khảo, quyết định đầu tư.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục