ĐBSCL: Nỗi lo từ vịt chạy đồng

ĐBSCL: Nỗi lo từ vịt chạy đồng

Trung tuần tháng 3-2011, ngoài đàn gia cầm tại địa phương còn có hàng triệu con vịt chạy đồng di chuyển đến các vùng đang thu hoạch rộ lúa đông-xuân như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… Nếu cúm gia cầm tái phát, nguồn lây lan sẽ rất lớn và khó kiểm soát.

Việc khử trùng đang được các địa phương thực hiện để bù vào khoản thiếu vaccine.
Việc khử trùng đang được các địa phương thực hiện để bù vào khoản thiếu vaccine.

Đồng Tháp, An Giang được xem là hai mảnh đất “vàng” để vịt di chuyển đến ăn lúa rớt trên đồng sau thu hoạch. Tại Đồng Tháp, có 3 - 4 triệu con vịt chạy đồng dạng này, cộng với đàn vịt tại địa phương lên khoảng 8 triệu con. Phần lớn các chủ vịt nuôi theo kiểu chạy đồng đều có lý do để đối phó khi cán bộ thú y “hỏi thăm”. “Trong khi việc cấp sổ theo dõi đối với các hộ đăng ký nuôi gia cầm nhỏ giọt, dân nuôi vịt chạy đồng lại viện dẫn lý do… mất sổ, chỉ trình giấy tiêm phòng vaccine. Nhiều khi giấy tiêm phòng đã hết hạn”, một cán bộ thú y địa phương nhìn nhận.

Điều làm ngành thú y ở khu vực ĐBSCL đau đầu hiện nay là ý thức người nuôi vịt chạy đồng chưa cao, thường xuyên trốn tránh khi phát hiện cán bộ thú y kiểm tra. Trong đó, nhiều đàn vịt lên đến hàng ngàn con nhưng vô chủ, chỉ có người làm thuê… nên cán bộ thú y cũng bó tay. Ngay thời điểm dịch cúm gia cầm, có người đề nghị nếu phát hiện vịt chạy đồng không có sổ đăng ký sẽ “trục xuất” khỏi địa bàn nhưng không được chấp thuận. Lý do được đưa ra: Phần lớn người nuôi vịt chạy đồng đều thuộc diện nghèo. Đuổi đi, họ chạy vòng vòng rồi quay lại.

Thực tế khó có thể tính được những thiệt hại nghiêm trọng khi dịch cúm gia cầm tái phát trong những năm vừa qua. Rất may, vừa qua ĐBSCL chưa ghi nhận tái phát dịch cúm gia cầm. “Tại Hậu Giang, dịch bệnh đã xảy ra lẻ tẻ trên đàn gia cầm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang cho biết. Theo ông Trưng, dịch cúm gia cầm có khả năng tái phát bất kỳ lúc nào.

“Điều làm chúng tôi lo ngại nhất là vịt chạy đồng chưa tiêm phòng từ nơi khác di chuyển đến, có nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm”, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp lo lắng. Theo ông Hiền, hiện nay ngành thú y không thể tiêm vaccine phòng cúm gia cầm đại trà vì thiếu vaccine. Những năm trước, vaccine được phân bổ theo ngành dọc từ tháng 12 nhưng đến giờ này vẫn chưa nhận được vaccine. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương trong vùng. Các địa phương bằng nhiều cách khác nhau tổ chức tiêm phòng đàn gia cầm từ nguồn kinh phí ít ỏi của mình. Vì vậy, chuyện tiêm phòng vaccine hiện nay vẫn chưa đạt tỷ lệ an toàn cần thiết ở một số địa phương. Dù số lượng đàn vịt lên đến khoảng 4 triệu con (chưa tính vịt từ nơi khác đến khoảng 3-4 triệu con) nhưng ngành thú y Đồng Tháp chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine trên 2 triệu con(!?).

Việc quản lý vịt chạy đồng được xem là khâu nan giải lâu nay ở ĐBSCL, đến nay vẫn chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Chính vì vậy, hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều trông chờ vào việc tiêm phòng vaccine đạt tỷ lệ cao để chủ động phòng chống dịch. Thế nhưng, có lẽ do chưa có dịch cúm nên các địa phương vẫn phải chờ lượng vaccine từ ngành dọc phân bổ dài… dài!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục