(SGGP).– Khảo sát mới nhất của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho thấy tình trạng sạt lở bờ sông tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực ven sông Tiền có 13 điểm sạt lở, với cung trượt 2 - 30m/năm. Dọc bờ sông Hậu qua tỉnh An Giang có đến 25 điểm sạt lở. Đáng lo ngại, tại các xã Vĩnh Tường, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Khánh An (huyện An Phú), Phú Bình (huyện Phú Tân), cù lao Phó Ba, Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), cồn Bình Thủy (huyện Châu Phú) mức độ sạt lở ngày càng tăng.
Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu đang diễn biến phức tạp, nhất là khi nước lũ đổ về. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 99 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 172km, thuộc địa phận 44 xã, phường, thị trấn; tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và TX Sa Đéc. Nhiều nơi, sạt lở ăn sâu vào bờ đến 25m. Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, TP Cần Thơ… liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông, đê biển gây thiệt hại lớn.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nguyên nhân sạt lở bờ sông là do nền đất yếu, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp. Nước lũ và triều cường gây nhiều phản áp, có sức bào mòn, xoáy lở mạnh, đe dọa nhiều đoạn sông, kênh, đê biển.
Tuy nhiên, nạn khai thác cát bừa bãi, ồ ạt, trái phép với khối lượng lớn mới là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng…
Bình Đại
Thông tin liên quan |
- Sạt lở nặng ở ven sông Đuống - Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở đến đâu, chạy đến đó! |