ĐBSCL: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng bất thường

Tháng 3 đang là mùa khô ở ĐBSCL, thế nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đã tăng mạnh bất thường, thậm chí có trường hợp tử vong vì SXH.
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG

Nhiều ổ dịch và ca bệnh nặng

Tại tỉnh Long An, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 561 ca mắc SXH (375 ca nội trú, 186 ca ngoại trú), tăng 5 lần so với cùng kỳ và có 1 ca tử vong. Số ca mắc SXH đều tăng tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Long An.

Còn tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giám sát ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của SXH, thế nhưng trên địa bàn huyện vẫn ghi nhận số ca mắc SXH tăng đột biến. Cụ thể, tính từ đầu năm đến giữa tháng 2-2023, huyện ghi nhận 79 ca mắc SXH, có 13 ổ dịch SXH và 9/16 xã có ổ dịch.

Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay đã có 472 ca mắc SXH, cùng thời điểm này năm 2022 chỉ có 85 ca, tăng hơn 555% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số ca mắc tăng mạnh ở 9/9 quận, huyện của thành phố. Báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 301 ca mắc SXH và 155 ổ dịch.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch SXH trong năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, cần có sự chủ động cảnh báo, giám sát để sẵn sàng ứng phó dịch khi bước vào mùa mưa.

Không chủ quan

Bác sĩ CKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng, cho biết, số lượng ca mắc SXH mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị từ đầu năm 2023 đến nay đang tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng bất thường này có thể do diễn biến thời tiết cực đoan, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện trên diện rộng, tạo điều kiện cho muỗi vằn gây bệnh phát triển. Do đó, các phụ huynh có con nhỏ phải hết sức lưu ý, tránh chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị cảm cúm thông thường rồi cho uống thuốc qua loa, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện điều trị thì rất nguy hiểm.

Trước diễn biến số ca SXH tăng đột biến, UBND tỉnh Long An yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cấp, các ngành, mọi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH hiệu quả tại các địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao như: bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, nơi từng có các ổ dịch và bệnh SXH lưu hành.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo ngành y tế tỉnh khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để các ổ dịch; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH.

Tin cùng chuyên mục