ĐBSCL: Thêm nhiều điểm có thể sạt lở

Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp tại các địa phương ở ĐBSCL bởi nước lũ về. Tại khu vực đầu nguồn lũ thuộc ấp 1 xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, dài 80m, ăn sâu vào đất liền 25m, cuốn trôi 3 nhà dân xuống sông Tiền.

(SGGP). – Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp tại các địa phương ở ĐBSCL bởi nước lũ về. Tại khu vực đầu nguồn lũ thuộc ấp 1 xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, dài 80m, ăn sâu vào đất liền 25m, cuốn trôi 3 nhà dân xuống sông Tiền.

Cuối tuần qua, khu vực này sạt lở tiếp tục lan rộng, chính quyền địa phương phải khẩn cấp di dời 40 hộ dân vào nơi an toàn. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 53km thuộc 36 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, TP. Tại các khu vực sạt lở nguy hiểm còn gần 3.000 nhà dân cách mép sông 0 - 20m.

Ngay đầu mùa lũ, bờ kè thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến kè trên sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn xuất hiện các hố xóay sâu nguy hiểm. Theo kết quả kiểm tra của Sở TN-MT tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 8 đoạn cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Hậu Giang có 55 điểm sạt lở (15 điểm đặc biệt nguy hiểm). UBND TP Cần Thơ vừa quyết định đầu tư 23 công trình xử lý tại các điểm xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao với tổng vốn 2.650 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 dự án lớn là kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy), rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều) và khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền). Tương tự, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 13 triệu USD để quy hoạch phân vùng nạo vét chỉnh trị dòng chảy khống chế sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu, kết hợp di dời dân cư trong vùng sạt lở. 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục