Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết:

Đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

- Căn cứ nào là quan trọng nhất để đánh giá sát cán bộ?
- Điểm yếu nhất của đội ngũ cán bộ thành phố hiện nay là gì?
- Làm thế nào để luân chuyển cán bộ có hiệu quả?
- Hiện nay, người dân đòi hỏi gì ở người cộng sản?
Đó là những nội dung đồng chí Nguyễn Minh Triết, UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi cùng phóng viên Báo SGGP.

  • Đánh giá đúng cán bộ: công việc sẽ trôi chảy

- PV: Thưa đồng chí, chúng ta vừa tiến hành thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa VIII. Để rút ra bài học lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện mục tiêu rất quan trọng là “chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển” trong thời gian tới, đồng chí sẽ nói gì?

- Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN MINH TRIẾT: Trong các bài học về công tác xây dựng Đảng thì bài học cán bộ là bài học quan trọng nhất, trong đó đào tạo và bố trí cán bộ là điều đáng quan tâm nhất. Thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ TPHCM nhìn nhận rằng: khi đánh giá, bố trí đúng cán bộ, thì công việc sẽ trôi chảy. Khi quy hoạch đúng đi liền với bồi dưỡng, đào tạo một cách mạnh dạn và đồng bộ thì sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ có triển vọng đáp ứng yêu cầu cho lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành.

Đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết.

Việc kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm những cán bộ mắc sai phạm có tác dụng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ngăn chặn những hành vi tiêu cực và nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ. Tôi cho rằng, trong công tác cán bộ, việc đánh giá cho đúng, đào tạo, bố trí đúng là cực kỳ quan trọng. Lâu nay, mình đã cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ này, trước mắt là trong năm 2006, chúng ta phải quyết tâm cao hơn, giải pháp cụ thể hơn.

- Vậy theo đồng chí, căn cứ nào quan trọng nhất để đánh giá đúng cán bộ?

- Muốn bố trí cán bộ đúng phải dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ mà khâu đầu tiên là đánh giáù, lựa chọn cán bộ đúng. Theo tôi, đánh giá cán bộ cần thực hiện theo các bước: Trước hết, đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ cũng như phát hiện những ý tưởng sáng tạo của cán bộ trong việc đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống. Thứ hai là đánh giá phẩm chất, đạo đức cán bộ và gia đình cán bộ. Thứ ba, đánh giá cán bộ trong việc thực hiện nguyên tắc, điều lệ Đảng, đoàn kết nội bộ và khả năng quy tụ cán bộ.

Để đánh giá sát cán bộ, ngoài việc dựa vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan và cán bộ đó, còn dựa vào bản thân họ tự đánh giá mình. Cuối cùng là tập thể đánh giá. Đánh giá cán bộ phải được thực hiện công khai, dân chủ và bằng văn bản rõ ràng.

- Nhưng đồng chí cũng thấy bây giờ một số cán bộ không muốn nhìn nhận khuyết điểm của mình, tinh thần tự phê còn thấp?

- Thế thì mới có tập thể. Những ý kiến khách quan, đúng đắn của tập thể buộc họ phải suy nghĩ nghiêm túc về mình.

  • Luân chuyển cán bộ: Không lợi dụng “đẩy mạnh” mà chuyển lung tung

- Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM, nhiều ý kiến quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ 2001-2005. Ý kiến của đồng chí như thế nào? Trong nhiệm kỳ tới, chúng ta phải làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác này?

- Sau khi có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Thành ủy TPHCM đã có các bước chuẩn bị khá chu đáo, chặt chẽ nên chỉ một năm sau, trên 500 cán bộ được luân chuyển từ sở-ngành thành phố về quận-huyện, từ quận-huyện lên thành phố hoặc luân chuyển trong phạm vi của sở-ngành, của quận-huyện. Việc luân chuyển đã tạo luồng sinh khí mới trong công tác tổ chức cán bộ, từ đó thúc đẩy công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, làm chuyển biến tình hình ở địa phương, đơn vị. Tất nhiên, cũng có một vài trường hợp sau thời gian luân chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn.

Còn việc đẩy mạnh công tác này thì phải nhận thức rõ: Mạnh là mạnh thế nào? Tôi hiểu, mạnh ở đây là chỗ nào cần thay thế thì phải thay, chỗ nào cần chuyển thì cương quyết chuyển. Đừng lợi dụng “đẩy mạnh” mà chuyển lung tung, chỗ cần thay không thay, chỗ không cần thì lại thay, lại chuyển. “Mạnh dạn” thế thì chỉ làm yếu thôi.

- Đồng chí đã thật sự yên tâm với đội ngũ cán bộ của TP?

- Tôi có thói quen không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Trong công việc, trong công tác cán bộ cũng như với bản thân mình đều như vậy. Tôi luôn mong muốn ngày hôm sau phải tốt hơn ngày hôm trước, nhưng tôi cũng nghĩ rằng, mình có từng này cán bộ thì trước hết phải sử dụng, phát huy cho tốt. Tôi rất thấm thía với câu nói của người xưa “Dụng nhân như dụng mộc”.

Một ông tướng đòi hỏi tất cả các sĩ quan đều phải giỏi cả mới đánh thắng thì ai làm cũng được, nhưng cũng tướng đó, binh đó mà mình đánh thắng thì mới là hay. Mình không chấp nhận hiện tại nhưng đồng thời phải sử dụng hiện tại cho tốt nhất. Nghe tưởng mâu thuẫn, nhưng không phải. Tôi luôn đòi hỏi cán bộ và cả bản thân mình mỗi ngày một tốt hơn. Muốn cán bộ giỏi hơn, thì phải đào tạo họ. Mình muốn bản thân ngày càng tốt hơn thì phải tự đào tạo. Nghĩa là mỗi người phải luôn luôn vận động. Ta không bằng lòng với hiện tại, nhưng phải chấp nhận nó để từ đó mà phấn đấu đi lên.

- Vậy theo đồng chí, điểm yếu nhất của đội ngũ cán bộ thành phố hiện nay là gì?

- Đó là năng lực chưa theo kịp yêu cầu, nhất là năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Nói một cách hình ảnh, trước đây mình chỉ ở sông, chèo thuyền nhỏ, bây giờ ra biển lớn mênh mông, phải lái thuyền lớn. Muốn vậy, phải có năng lực, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là bản lĩnh-bản lĩnh của người cộng sản, người cán bộ cách mạng trong thời kỳ hội nhập.

Thú thực, đấy không hẳn chỉ là điểm yếu của đội ngũ cán bộ, mà tôi, tôi cũng cảm thấy mình hạn chế. Mình phải dũng cảm nhìn nhận mình. Thấy rõ yếu kém của mình. Nói cán bộ của mình còn hạn chế trước yêu cầu hội nhập, nhưng tôi cũng không loại trừ trong đó có bản thân tôi. Bây giờ nhiều ông cứ nói người nọ người kia yếu nhưng mình thật sự đã giỏi đâu. Điều quan trọng đối với người lãnh đạo là phải có bản lĩnh để biết tập hợp, biết lắng nghe với một niềm tin rằng, nếu ta biết mình, biết người và có quyết tâm cao, ta sẽ chiến thắng.

  • Giải quyết “đầu ra” cho số cán bộ lớn tuổi: phải thể hiện tấm lòng và trách nhiệm

- Một trong những khó khăn hiện nay ở cơ sở và quận-huyện là chưa tìm được “đầu ra” cho số cán bộ lớn tuổi, năng lực hạn chế nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Sắp tới, TP giải quyết vấn đề này thế nào?

- Giải quyết vấn đề này có nhiều cách nhưng trên hết phải thể hiện tấm lòng và trách nhiệm đối với anh em đồng chí của mình. Việc bố trí phải phù hợp, đúng với từng đồng chí, không được máy móc. Có những người tuy có hạn chế trong công tác, nhưng không vì thế mà loại họ ra ngoài bộ máy, bởi họ đã có quá trình cống hiến cho cách mạng, đặc biệt là họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Điều đó không đúng với cái tâm và lý lẽ của người cộng sản, đạo lý không cho phép như vậy.

Đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ảnh 2

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (thứ ba từ phải qua) gặp gỡ trao đổi với cán bộ lãnh đạo TPHCM trong Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII.

Hiện nay, Nhà nước có chế độ cho số cán bộ tình nguyện về hưu sớm. Với chế độ đó, nhiều đồng chí có thời gian để làm ăn, góp phần cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Ngoài ra, các quận, huyện đều có kế hoạch bố trí công việc phù hợp cho các đồng chí đã lớn tuổi. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đồng ý tăng thêm định biên cho một số ban Đảng ở quận, huyện. TP cũng bố trí cho các đồng chí lớn tuổi tham gia nghiên cứu hoặc làm chuyên viên. Những đồng chí này có kinh nghiệm thực tiễn nên có điều kiện nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy hoặc truyền đạt sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cho cấp dưới.

- Có ý kiến cho rằng “hầu hết các vụ tham nhũng tiêu cực không do tổ chức Đảng nơi đó phát hiện mà chủ yếu do quần chúng tố cáo và báo chí phát hiện”. Phải chăng tổ chức cơ sở Đảng bị vô hiệu hóa?

- Tiêu cực, tham nhũng ở đâu cũng có, không riêng ở Việt Nam. Rất nhiều vụ tiêu cực do quần chúng ở đơn vị, cơ quan họ đang công tác tố cáo với cấp trên và cung cấp thông tin cho báo chí để phanh phui vụ việc. Còn việc nhiều tổ chức Đảng ít phát hiện tham nhũng, tiêu cực của đảng viên ở đơn vị mình có một lý do quan trọng là tính chiến đấu của chi bộ Đảng và đảng viên chưa cao; vẫn còn tình trạng nể nang, “dễ người dễ ta” trong sinh hoạt Đảng; hoặc là chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tinh thần phê bình và tự phê bình thẳng thắn, xây dựng và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Việc người dân chưa mạnh dạn tố cáo tiêu cực cũng một phần là do chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tiêu cực một cách có hiệu quả, trong đó chưa có cơ chế bảo vệ cho cả sự an toàn tính mạng của họ cũng như của gia đình người tố cáo. Đặc biệt, tôi muốn lưu ý là cơ chế quản lý của mình phải được hoàn thiện để cho người muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.

- Thưa đồng chí, “tham” thì xem ra còn dễ phát hiện và xử lý, chứ “nhũng” thì khó khăn hơn nhiều?

- Đúng thế ! Vì nó diễn ra hàng ngày, khó nhận biết, nhất là sẽ khó thấy được sự thiệt hại về tài sản. Thiệt hại tài sản do “nhũng” gây ra không lớn nhưng nó làm ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của người dân đối với Đảng, với chính quyền. Tôi nghe người dân kêu ca, phàn nàn rất nhiều về tệ nhũng nhiễu, vòi vĩnh và làm khó dễ của cán bộ đối với dân.

Chính vì thế, một trong 5 chương trình, công trình kinh tế - xã hội mang tính đòn bẩy nhiệm kỳ này mà Đảng bộ TPHCM xác định là cải cách hành chính. Kết quả thế nào, dù nói hay, nói tốt thì phải lấy phục vụ dân là thước đo hiệu quả. Nên khi giải quyết việc dân, mỗi cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên lợi ích cá nhân, phải đem hết tấm lòng phục vụ nhân dân và đề cao trách nhiệm cá nhân, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

  • Cán bộ trẻ: giáo dục lý tưởng rất quan trọng

- Trong cách mạng giải phóng dân tộc, người đảng viên cộng sản luôn là tấm gương sáng về sự hy sinh cho lý tưởng của mình. Thế nhưng hiện nay, nhiều cán bộ không được như vậy. Theo đồng chí, trong điều kiện hiện nay, người dân đòi hỏi gì ở người cộng sản?

- Đảng viên cộng sản cũng là người, cũng sống trong xã hội, cũng có gia đình với những lo toan cho cuộc sống. Và sống trong xã hội, người đảng viên cũng không thể tránh khỏi chịu ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là khi xã hội đang chuyển sang cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, ngày nay, cũng vẫn như trước đây, người dân luôn đòi hỏi ở người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản tinh thần chiến đấu hết mình vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng phải làm gương, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

- Có một thực tế: bên cạnh những cán bộ trẻ quên mình vì lợi ích chung, vẫn có nhiều cán bộ trẻ chưa làm đã đòi hỏi?

- Những cán bộ trẻ đó thật đáng trách, nhưng suy cho cùng đó là trách nhiệm của người lớn. Một là người lớn không biết dạy lớp trẻ. Hai là người lớn không nêu gương. Ba là người lớn không quan tâm chăm sóc, quản lý. Cái này liên quan đến hệ thống giáo dục. Phải giáo dục từ nhỏ. Lý tưởng cũng vậy. Nó thấm dần từ nhỏ chứ lớn mới giáo dục là quá chậm. Hồi nhỏ tôi có học một bài về Tổ quốc đến bây giờ tôi vẫn nhớ. “Em có biết Tổ quốc là gì không? Đó là mái nhà mà mẹ em đã ru em trên đầu gối và cha em đã bế em trong lòng…”.

Đơn giản mà sâu sắc, thấm thía lắm. Phải giáo dục những điều đơn giản nhưng sâu xa và thực tế. Muốn thế phải có chương trình tốt và những người thầy tận tâm. Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, giáo dục lý tưởng là rất quan trọng. Phải luôn giáo dục các em tinh thần xả thân vì nước, xây dựng đất nước. Đất nước này là trên hết. Vì sự nghiệp xây dựng đất nước, đảng viên cán bộ phải hy sinh. Và phải làm sao cho nhiều cán bộ biết hy sinh chứ không phải chỉ một vài cá nhân hy sinh đơn độc.

- Trong cuộc sống, ai cũng gặp khó khăn, thử thách. Người làm công tác quản lý, lãnh đạo lại càng hay gặp những thách thức nghiệt ngã. Những lúc như thế, đồng chí nghĩ như thế nào? Có bao giờ đồng chí ước giá mình thế này hay thế khác?

- Thật lòng, tôi không quen ước, mà bao giờ cũng luôn nhủ mình phải chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận thực tế và dám đương đầu. Thậm chí, nhiều lúc khó khăn đến, tôi thấy như một sự thách thức và cảm thấy vui sướng vì mình dám dấn thân, chứ không ngã lòng.

- Có lúc nào đồng chí cảm thấy lo lắng?

- Cái đó thì chắc ai cũng có. Nhưng lo thì lo chứ không để cái lo đó làm hại đến tư tưởng, sức tiến công và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mình.

- Xin cám ơn đồng chí. 

Hồng Quân - Tuấn Sơn thực hiện

Tin cùng chuyên mục