

Trái ngọt.
Sóc Trăng là tỉnh có diện tích cây ăn trái khá lớn ở ĐBSCL với hơn 20.000 ha. Đặc biệt từ lâu đã hình thành một số vùng cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung… có giá trị kinh tế cao.
Cây ăn trái ở Sóc Trăng hiện tập trung nhiều ở các khu vực ven sông Hậu, kênh rạch và đất giồng cát. Theo chương trình phát triển cây ăn trái từ nay đến năm 2010 của tỉnh, 3 khu vực này cũng là những nơi có quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái chuyên canh. Trong đó, vùng ven sông Hậu, nơi có địa hình cao, thoát thủy tốt, không bị ảnh hưởng mặn thuộc huyện Kế Sách sẽ phát triển cây măng cụt, sầu riêng hạt lép, xoài cát Hòa Lộc.
Các vùng phía Bắc huyện Cù Lao Dung, Long Phú (xã An Thạnh I, Đại Ngãi, Song Phụng…) ảnh hưởng nước lợ vào mùa nắng và các vùng đất từ trung bình đến thấp thuộc huyện Long Phú, Ngã Năm và Thạnh Trị có thể phát triển bưởi da xanh, bưởi Năm roi, cam mật, quýt đường, xoài cát chu, xoài Thái, chuối các loại. Riêng những vùng đất giồng cát cao thuộc các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng sẽ phát triển vú sữa lò rèn, mít nghệ, me, nhãn xuồng…
Việc quy hoạch này có thể đảm bảo để Sóc Trăng trở thành trung tâm cây ăn trái lớn với diện tích ổn định 25.000 ha vào năm 2010 và 35.000 ha vào năm 2020, trong đó diện tích vùng trồng cây ăn trái chuyên canh sẽ không ngừng mở rộng theo từng năm, đảm bảo thương hiệu trái cây Sóc Trăng từng bước đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy Sóc Trăng có nhiều lợi thế về kinh tế vườn, nhưng do tiềm năng chưa được khai thác đúng mức nên quá trình phát triển cây ăn trái ở địa phương thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc quy hoạch lại vùng phát triển các loại cây ăn trái chưa được thực hiện cụ thể, trong khi năng suất, chất lượng trái cây còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu tập trung nên chưa đủ sức cạnh tranh. Các thương hiệu trái cây ngon đã được xây dựng nhưng vùng nguyên liệu chưa được đầu tư thỏa đáng.
Toàn tỉnh chưa có cơ sở chuyên kinh doanh giống cây trồng đạt chất lượng, có uy tín để cung cấp số lượng lớn phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích, thay đổi giống mới. Cán bộ kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu; nhà vườn phần lớn thiếu vốn, ít am hiểu về kỹ thuật, quá trình sản xuất không tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ đào hố, bón phân, chọn lọc cây giống, chăm sóc thời kỳ cơ bản, thời kỳ kinh doanh. Khâu cơ bản nhất để vườn cây có năng suất cao là tạo tán, tỉa cành, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh cũng chưa được thực thi trên diện rộng.
Để cây ăn trái Sóc Trăng thật sự phát triển mạnh, ngoài việc tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng – ngăn mặn, dẫn ngọt, ổn định thị trường, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nhà vườn…, cần quan tâm khâu giống để hình thành bộ giống cây ăn trái đạt năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện sinh thái từng vùng và phù hợp với nhu cầu thị trường. Cơ quan hữu quan cũng cần khuyến cáo nông dân không nên mua các giống trôi nổi trên thị trường, tổ chức xây dựng ngày càng nhiều mạng lưới sản xuất các giống cây sạch bệnh, chất lượng tốt.
MINH SANG