Tính đến tháng 11-2012, toàn TPHCM có gần 64.000 người có phòng trọ cho thuê không tăng giá, giúp hơn 1,1 triệu người có được phòng thuê trọ (chiếm 97%) giảm bớt một phần khó khăn. Tuy nhiên, tình hình những tháng cuối năm 2012 và dự báo cả năm 2013 sẽ rất khó khăn, nhất là giá cả một số mặt hàng thiết yếu đều tăng như điện, nước, hàng hóa tiêu dùng, khiến không ít người có phòng trọ cho thuê “bấm bụng” thông báo sẽ tăng giá phòng trọ.
Dĩ nhiên, yêu cầu này hoàn toàn chính đáng. Nhưng với công nhân, người lao động, sinh viên nghèo, giá phòng trọ tăng cũng đồng nghĩa bữa ăn sẽ bớt đi khẩu phần và giảm chi tiêu một số nhu cầu tối thiểu khác.
Để hài hòa lợi ích giữa chủ nhà trọ và người thuê trọ, lúc này rất cần sự chung tay chia sẻ của các cấp ngành. Chia sẻ bằng cách nào? Nhiều chủ nhà trọ cho rằng: Vận động chỉ tăng không quá 10% (chỉ bằng 50% mức tăng giá trong thời gian qua, 10% so với 20% chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI trong 3 năm qua); thu tiền điện, nước đúng giá quy định. Đối với doanh nghiệp, vận động hỗ trợ công nhân đang thuê nhà trọ bên ngoài 10% còn lại (khoảng 40.000 đồng/công nhân/tháng).
Đối với TP, cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2013 đối với người có phòng cho thuê; chỉ đạo ngành điện tiếp tục đăng ký định mức điện cho người thuê phòng (tính định mức cả trẻ em con người thuê trọ); ngành nước giảm thủ tục phiền hà cho người đăng ký định mức (xác nhận danh sách người thuê phòng trọ 6 tháng/lần thay vì 1 tháng/lần như hiện nay, tính định mức cả trẻ em). Đồng thời tiếp tục kiến nghị tháo gỡ lãi vay cho người có phòng trọ cho thuê vay vốn sửa chữa, nâng cấp nhà trọ.
Nếu không có sự chung tay đồng bộ của những người có trách nhiệm thì cuộc vận động giữ giá nhà trọ ở TPHCM chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhiều người lo ngại, chỉ cần vài chục chủ nhà trọ trong con số nêu trên tăng giá, hiệu ứng domino sẽ lan truyền cả TP, làm giảm hiệu quả thiết thực của cuộc vận động mang đầy tính nhân văn này.
H.HIỆP