“Để có những ca khúc hay”

  • Ca khúc hay phải mang hơi thở cuộc sống

Đã là ca khúc hay trước hết nó phải mang hơi thở của cuộc sống, nghĩa là nó phải được nhạc sĩ sáng tác bằng chất liệu thực do nhạc sĩ đã từng trải nghiệm.

Hiện nay trong quá trình hội nhập, chúng ta giao lưu với nền âm nhạc thế giới, ở đó có cái hay và cái chưa phù hợp với nền văn hóa chúng ta. Tuy nhiên, phải biết chọn lọc. Một số nhạc sĩ trẻ còn non tay chưa biết “gạn đục khơi trong” mà chỉ biết bắt chước, nhái, copy, do họ rất lười đi xâm nhập thực tế để tìm chất liệu cuộc sống cho bản nhạc của mình. Họ chỉ ngồi nhà và nghe những ca khúc của nước ngoài đang được bạn trẻ yêu thích, rồi viết lời, sửa chút giai điệu để biến của người ta thành sản phẩm của mình.

Có khi họ lười đến mức bê nguyên xi nhạc của người ta hay sáng tác theo thị hiếu đơn giản của một số bạn trẻ đặt hàng, viết liên tục những ca khúc ngớ ngẩn, vô hồn vô nghĩa và không cần biết “đứa con” của mình sống chết thế nào trong lòng người nghe, chỉ cần có tiếng là nhạc sĩ là thỏa mãn.

Đã đến lúc Hội Âm nhạc Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ về sáng tác nhạc, tổ chức những chuyến đi thực tế về cơ sở và mở những khóa học nâng cao sáng tác âm nhạc cho các nhạc sĩ trẻ với sự hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm của những nhạc sĩ có tên tuổi. Cũng cần có hội đồng kiểm duyệt đủ trình độ để thẩm định những ca khúc mới và ngăn chặn những ca khúc “sạn” không bị lọt lưới. Phải xử phạt nghiêm minh đối với những nhạc sĩ đạo nhạc. Ngoài ra, cần giúp đỡ cho nhạc sĩ trẻ được phổ biến ca khúc của mình trên sóng phát thanh, truyền hình, giúp họ tham gia sinh hoạt trong Hội Âm nhạc, có như thế những nhạc sĩ trẻ mới có điều kiện sáng tác những ca khúc hay phục vụ công chúng và xã hội.

LÊ TĂNG ĐỊNH
(11/4 Quang Trung, P14, Gò Vấp)
 

  • Cần có sự nỗ lực của nhạc sĩ, giới truyền thông và người nghe

Là một người yêu nhạc Việt và luôn ủng hộ nền âm nhạc nước nhà, tôi đánh giá cao những ca khúc được đầu tư sáng tác công phu của những nhạc sĩ trẻ, có triển vọng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả một quá trình thì số những ca khúc, nhạc sĩ trẻ có tâm huyết chỉ là thiểu số. Những bạn trẻ, cụ thể là một phần sinh viên, những công nhân tại các khu công nghiệp hiện đang nghe một thứ âm nhạc không thể chấp nhận.

Quá nửa những ca khúc trên thị trường hiện nay là các bài thất tình, chia ly, khổ đau khiến người nghe có thể cảm thấy chán đời hoặc nhức đầu vì bị “tra tấn” quá nhiều. Để có một ca khúc hay, theo đúng nghĩa hay thì tôi nghĩ chúng ta cần cho những ca khúc mới có nhiều điều kiện đến với công chúng qua các chương trình ca nhạc quần chúng, thậm chí là các chương trình lớn được trình chiếu, phát trên truyền hình, truyền thanh (dĩ nhiên phải qua các khâu kiểm tra ca từ, giai điệu).

Đây sẽ là một động lực lớn giúp các nhạc sĩ trẻ có thêm hứng thú. Những nhạc sĩ trẻ này có người được đào tạo tại các nhạc viện một cách bài bản. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ chỉ biết nhạc lý sơ sài nhưng cũng có một số ca khúc hay. Đại đa số các bài hát này đến với người nghe qua internet.

Sẽ thật thiếu sót nếu như không nói đến trách nhiệm của các đơn vị truyền thông. Các đài truyền hình, phát thanh đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa âm nhạc đến với người nghe. Những người nghe nhạc cũng là đối tượng, mục tiêu cuối cùng mà âm nhạc muốn hướng tới. Thái độ khán thính giả cũng chiếm một phần quan trọng trong sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

Theo một cuộc khảo sát bỏ túi với 100 người sống và học tập tại làng Đại học nơi tôi đang sống thì có đến 40 người không quan tâm đến nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Họ tìm đến những ca khúc nước ngoài. Bộ phận này quá bi quan và luôn có cái nhìn tiêu cực, do đó những ca khúc thực sự hay không thể đến với họ. Như vậy, những chương trình nâng cao ý thức tự hào, cổ động cho nhạc Việt cần được thực hiện để họ có sự đánh giá khách quan hơn.

Tôi tin là một ngày không xa, những ca khúc hay sẽ dần chiếm thị phần của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.  

NGUYỄN HỒNG VIỆT
(Khoa Kinh tế luật ĐHQG TPHCM)

Bài vở tham gia diễn đàn văn hóa xin gởi về: Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3- TPHCM hoặc Email: vhvn@sggp.org.vn