LTS: Luật Đầu tư vẫn đang trong vòng thảo luận trước khi chính thức trình lên Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình tập hợp, một số ý kiến đề nghị nên bỏ Luật Đầu tư vì không cần thiết, mâu thuẫn với nhiều luật khác,… khiến doanh nghiệp trong nước “nuôi mãi không lớn”.
Phiền hà, bất bình đẳng
Cùng với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư năm 2005 là văn bản pháp lý có nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thống nhất, bình đẳng thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vào thực tế, thực chất Luật Đầu tư như một công cụ bổ trợ và hình thức bảo hộ hết sức tinh vi cho hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp trong nước. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt liên quan đến thủ tục đầu tư, luật đã gây phiền hà và là nguyên nhân dẫn đến môi trường kinh doanh không bình đẳng, có sự phân biệt giữa các hình thức kinh doanh, từ đó tạo ra rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Các lĩnh vực và địa bàn đầu tư hiện nay còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và kém hiệu quả. Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư còn thiếu tính minh bạch, thiếu khả thi và đồng bộ, chưa tạo lập được mặt bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Luật hiện hành cũng chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết. Do đó, nên chăng cần bãi bỏ Luật Đầu tư để tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra có một thị trường cạnh tranh bình đẳng, công khai. Đồng thời, góp phần giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ bản lĩnh để có thể cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, việc nhà nước dùng nhiều biện pháp bảo hộ đầu tư trong nước, trong đó có Luật Đầu tư không giúp cho họ có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trái lại đôi khi còn làm cho họ ỷ lại vào các chính sách bảo trợ của nhà nước, dần dần không thể lớn lên được. Trong một thời gian dài, mặc dù nhà nước đã dùng nhiều biện pháp để bảo hộ cho các nhà đầu tư trong nước như các ngành ô tô, điện tử nhưng thực chất các ngành này cũng không thể cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những ngành nghề nhà nước mặc dù không bảo hộ mở cửa thị trường nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đủ bản lĩnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như ngành viễn thông, thực phẩm chẳng hạn và các doanh nghiệp này đã vươn ra toàn cầu như Viettel hay Vinamilk. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã ghi nhận: Các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật không phân biệt nguồn gốc vốn đầu tư. Vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục giữ Luật Đầu tư để tiếp tục gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước.
Cần đồng bộ, minh bạch và bình đẳng
Thế giới đã hội nhập ngày càng sâu rộng, các quốc gia đều thực hiện nhiều chính sách, trong đó có các công cụ pháp luật để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đã và sẽ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định và thịnh vượng cho xã hội. Việc mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước tại Việt Nam vẫn là một bài toán khó mà Luật Đầu tư hiện hành chưa giải quyết được. Đồng thời, các thủ tục buộc doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư không theo các chuẩn mực thông thường và phần lớn những thủ tục đó không cần thiết đối với Nhà nước. Những thủ tục này trên thực tế chỉ mang tính chất đối phó, không có ý nghĩa, làm mất thời gian của nhà đầu tư, tạo ra rào cản cho nhà đầu tư. Dường như Luật Đầu tư đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc quản lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Việt Nam đã và sẽ trở thành thành viên của những hiệp định lớn của thế giới như: WTO, APEC, TPP… điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam cần mở rộng hơn nữa thị trường của mình để chào đón những nhà đầu tư lớn của thế giới. Việc đầu tư hiện nay trong xu hướng toàn cầu “đất lành, chim đậu”. Nếu thay đổi kịp thời, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, từ thị trường Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển thị trường đầu tư. Đồng thời, khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học tập được những ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý dần dần đủ bản lĩnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Chưa tính đến việc khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hàng loạt lĩnh vực có thế mạnh trong nước sẽ phát huy, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển, hàng loạt lĩnh vực ăn theo cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư ra nước ngoài để phát huy thế mạnh kinh doanh của mình từ các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của thị trường trong nước ra toàn cầu.
Vì vậy, các cơ quan soạn thảo cần sớm trình Quốc hội bãi bỏ Luật Đầu tư chuyển một số điều liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài sang Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đồng thời hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư tại các luật chuyên ngành là có thể đảm bảo cho hoạt đồng đầu tư. Thủ tục đầu tư phải theo hướng đồng bộ, minh bạch, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước phải dựa vào bản lĩnh của mình chứ không nên mãi trông chờ vào “sự nuông chiều” từ nhà nước qua các công cụ bảo trợ trong đó có Luật Đầu tư.
NGUYỄN VIỆT KHOA
(Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế TPHCM)
LẠC PHONG (ghi)